Truyền thống đón Tết Độc lập của người dân Phú Cường
Về Phú Cường những ngày này, khắp mọi nẻo đường, thôn xóm, nhà nhà đều tập trung dọn dẹp, vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà cửa, treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng, ảnh Bác Hồ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9. Cùng với đó, các hộ gia đình tất bật lá dong, lạt giang, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, củi khô… để gói bánh chưng. Đây là điều đặc biệt tạo nên không khí Tết Độc lập ở xã Phú Cường.
Tết đến, mỗi nhà, mỗi người một việc, gia đình ông Trần Quang Dù lại cùng nhau sửa soạn mâm cơm dâng lên ban thờ tổ tiên, xin tổ tiên phù hộ cho con cháu có sức khỏe, cho gia đình được hạnh phúc, cho làng xã được ấm no, cho quê hương, đất nước luôn được hòa bình, độc tập, tự do.
Không náo nhiệt như một số nơi khác nhưng vẫn hân hoan hạnh phúc, Tết Độc lập của người dân Phú Cường là ngày mà mỗi người con trong xã, dù đi làm xa quê hương, cũng cố gắng thu xếp về để sum vầy bên gia đình. Truyền thống tốt đẹp này được người dân trong xã duy trì từ năm 1946 đến nay.
Tết Độc lập được tổ chức lần đầu tiên ở xã Phú Cường trong dịp lễ Quốc khánh 2/9/1946, đúng một năm sau ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày đó, mọi nhà trong xã đều treo ảnh Bác Hồ, treo cờ đỏ sao vàng và mổ gà, mổ lợn ăn mừng. Từ đó đến nay, người dân Phú Cường năm nào cũng tổ chức đón Tết Độc lập bằng những nghi thức trang trọng, thiêng liêng nhất.
Dịp Tết Độc lập, các ngả đường trong làng như đông đúc hơn, âm thanh rộn ràng, tiếng nói cười, trò chuyện và nhiều âm thanh khác hòa quyện vào nhau tạo nên không khí tưng bừng của làng quê trong ngày Quốc khánh. Trên mọi nẻo đường, con ngõ đều rực rỡ sắc màu của cờ đỏ sao vàng. Với mỗi người con xã Phú Cường, truyền thống ngày Tết Độc lập của quê hương luôn là truyền thống thiêng liêng đáng tự hào./.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương