Trong những ngày Cách mạng tháng 8 đó, có sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng không thể phủ nhận vai trò to lớn của Hội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, những thành viên khi đó chỉ là những học sinh nhưng đầy gan dạ, quả cảm. Những ngày tháng lịch sử ấy đã được cô đọng nhiều ký ức trong cuốn sách “Từ mùa thu ấy”.
Trong những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp và lắng nghe lời kể về những ký ức năm xưa của một Cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu – Bà Phan Thị Phúc. Từ mùa thu năm 1945 bao ký ức còn lưu giữ trong trái tim của một “Người thanh nữ Hà Thành” đã tham gia liên lạc các cơ sở cách mạng trong nội thành Hà Nội, là một trong những nữ sinh tiến vào Trại Bảo an binh trong tà áo trắng để vận động hàng binh. Bà Phan Thị Phúc tham gia cách mạng từ những ngày đầu, đồng hành cùng với chồng mình là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch – Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao, và nhiều hoạt động khác, những dòng ký ức ấy luôn sống mãi trong tâm trí bà.
“Từ mùa thu ấy” chính là những câu chuyện về tháng 8 mùa thu năm 1945 để cùng cả đất nước hướng tới ngày Độc lập 2/9, được một thành viên của Hội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu kể về hành trình bắt đầu từ cuộc họp chỉ hơn mười nữ sinh ở trường học. Ký ức những ngày khởi đầu luôn đọng mãi trong trái tim của biết bao “nữ sinh Hà Thành năm xưa”, vì đó không chỉ là dòng ký ức của cựu cán bộ lão thành cách mạng.
Những câu chuyện xúc động về sự gan dạ của bao Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu năm xưa, câu chuyện tình yêu đi liền với trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của những con người luôn đặt sứ mệnh bảo vệ cách mạng là những gì được chia sẻ trong “Từ mùa thu ấy”.
Nhiều người nói mùa thu là mùa của yêu thương, mùa của độc lập, tự do và mùa của ký ức. Cuốn “Từ mùa thu ấy” hoàn thành chỉ với mong muốn giúp chính các thành viên của Hội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu nhớ về một thời, nhớ về những ký ức không bao giờ bị lãng quên. Thế hệ những người được may mắn chứng kiến giây phút của mùa thu lịch sử tháng 8 năm 1945 sẽ trân quý “Từ mùa thu ấy” vì thấy chính họ ở đó, còn thế hệ hôm nay đọc để hiểu, đọc để biết ơn, tri ân và sống có ý nghĩa, trách nhiệm hơn khi được hưởng trọn vẹn độc lập tự do.
Thực hiện: Lục Hường - Đức Thành
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.