Ngày 5/9/1945, 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho học sinh cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên của đất nước. Trong thư Người viết: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các cháu. Điều đó thể hiện niềm tin và hy vọng lớn lao của Người đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện đạo đức, gắng công học tập để trở thành những công dân hữu ích, phấn đấu đưa nước nhà tiến tới văn minh, giàu mạnh.
Trong phiên họp Chính phủ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay. Trong đó, vấn đề thứ hai là “giặc dốt”. Nạn mù chữ của nhân dân ta được Người coi là một thứ giặc nguy hại không kém gì giặc ngoại xâm. Vì vậy, Người đề nghị mở ngay một chiến dịch diệt dốt và đích thân phát động chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí. Kể từ đó cho đến nay, tư tưởng của Người về giáo dục đào tạo đã được khẳng định là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực của sự phát triển đất nước” trong các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới, để giáo dục thực sự là “động lực của sự phát triển đất nước” như ước nguyện của Bác Hồ, các chuyên gia cho rằng, cần có một cuộc cách mạng thật sự khoa học và triệt để về giáo dục đào tạo dựa trên việc áp dụng triệt để những tư tưởng của Người về giáo dục.
75 năm đã trôi qua, tư tưởng của Người về sự nghiệp giáo dục vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn đuốc soi đường của các thế hệ học sinh Việt Nam. Học Bác và làm theo Bác, đó là cách thiết thực nhất để mỗi chúng ta thực hiện mong ước của người về một nền giáo dục toàn diện, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thực hiện: Huy Vinh - Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.