Tương lai nào cho bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng?
Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống - di sản văn hoá phi vật thể trong Danh mục quốc gia, Bát Tràng còn được biết đến như một ngôi làng mang những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc, ẩn chứa trong các công trình kiến trúc độc đáo, những lễ hội và nghệ thuật ẩm thực truyền thống… của một ngôi làng gần ngàn năm tuổi. Năm 2019, Bát Tràng được công nhận là Điểm du lịch của TP Hà Nội. Năm 2022, nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Và với những thế mạnh này, người dân làng Bát Tràng mong muốn xây dựng nơi đây trở thành một bảo tàng sinh thái để lưu giữ cho thế hệ mai sau những giá trị tốt đẹp, cũng như góp phần phát triển kinh tế, gắn văn hóa với du lịch làng nghề.
Bản thân Bát Tràng đã là một hệ sinh thái, do vật để bảo tồn "sống", bảo tồn "tại chỗ" toàn bộ cảnh quan thiên nhiên - văn hoá cùng đời sống văn hóa và môi trường sinh thái của cộng đồng cư dân Bát Tràng và xây dựng sản phẩm du lịch có tính đột phá từ tài nguyên văn hoá mang tính đặc thù của làng cổ Bát Tràng qua mô hình bảo tàng sinh thái thì Bát Tràng cần phải chú trọng sự kết nối, gắn kết của người dân và sự phối hợp quản lý của chính quyền địa phương để cùng nhau tìm ra cách làm phù hợp nhất để vẫn giữ được văn hóa của làng nghề mà vẫn phù hợp với thời đại.
Bảo tàng sinh thái được thiết lập tại Bát Tràng sẽ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời của làng, người dân địa phương là đối tượng chính được hưởng lợi từ mô hình này, từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế-xã hội của địa phương. Hơn thế nữa, việc xây dựng thành công mô hình bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng cũng sẽ giúp hình ảnh Bát Tràng nói riêng và Hà Nội nói chung được tôn vinh, lan tỏa, văn hóa địa phương được bảo tồn, phát huy và mở rộng hội nhập bằng du lịch văn hóa./.
Thực hiện: Vân Anh – Anh Dũng – Hoàng Ly