Sức khỏe tâm thần của học sinh là một trong những vấn đề trọng tâm trong tâm lý học Việt Nam những năm gần đây. Các nghiên cứu thường tập trung đánh giá biểu hiện và sàng lọc các dạng rối loạn sức khỏe tâm thần của học sinh, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em, học sinh và các biện pháp phòng ngừa, can thiệp.
Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em mắc các rối nhiễu liên quan đến sức khỏe tâm thần ở Việt Nam đang ở mức báo động khi mà gần đây liên tiếp các vụ học sinh tự sát gia tăng. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, những bất thường liên quan đến sức khỏe tâm thần còn có nhiều biểu hiện đáng lo ngại hơn.
Ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, các vấn đề sức khỏe tâm thần được chia thành 2 nhóm: Rối loạn hướng nội và rối loạn hướng ngoại. Việc phòng ngừa hoặc nhận diện sớm để can thiệp kịp thời là chiến lược quan trọng để giúp các em cân bằng tâm lý. Các chương trình phòng ngừa thường được xây dựng tập trung trong bối cảnh trường học như một môi trường lý tưởng để có thể thực hiện hiệu quả bởi đây là nơi có thể tiếp cận phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên.
Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục trong giai đoạn hiện nay đã và đang đặt ra một loạt vấn đề lý luận thực tiễn đối với khoa học Tâm lý, giáo dục, từ xác lập nguyên lý căn bản, làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình, vận hành phương pháp, tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học cho đến việc đảm bảo trạng thái sức khỏe tâm thần tích cực cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu giáo dục tổng thể.
Có thể nhận thấy ứng dụng thành công những thành tựu của tâm lý học Trường học là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thu Hương – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.