ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TỔ CHỨC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu với 10 dự án luật. Căn cứ vào tiến độ chuẩn bị, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ có đủ hồ sơ đưa vào xem xét 5 dự án luật tại phiên họp chuyên đề pháp luật, bao gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về hồ sơ của dự án Luật Phòng không nhân dân. Đây là luật hoàn toàn mới để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng ta về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại diện Cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã báo cáo những kết quả đạt được sau hơn 12 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người. Theo đó, Luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống mua bán người. Vì vậy, Dự thảo Luật đã được xây dựng gồm 8 chương, 66 điều (tăng 08 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành).
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và một số luật có liên quan. Các đại biểu cũng góp ý, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát tính đồng bộ, thống nhất để các quy định trong luật vừa phù hợp với các điều ước quốc tế, vừa không mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Hình sự, đặc biệt là những quy định liên quan đến nạn nhân mua bán người trong độ tuổi thanh, thiếu niên, mua bán người qua qua mạng xã hội, lao động cưỡng bức… đồng thời bổ sung trách nhiệm của các cơ quan liên quan tham gia phòng chống mua bán người./.
Thực hiện: Huy Vinh – Quốc Hùng