Vận dụng Đề cương để phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Tuy chỉ dài hơn 1500 từ, bản Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo vào năm 1943 đã trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một đảng cách mạng về văn hóa. Những tư tưởng chủ đạo mà Đề cương về văn hóa Việt Nam nêu ra, đó là: Dân tộc, khoa học, đại chúng không chỉ là đường lối văn hóa trong bối cảnh bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít nô dịch mà còn là tư tưởng vạch đường cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau đó, đi qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một nội dung nổi bật của đề cương là ngoài mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, "nền văn hóa mới" mà Đề cương xác lập còn thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ; và quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Thực tế trong những năm qua Đảng ta luôn ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng kế thừa vận dụng các quan điểm của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.
Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực vận dụng các nguyên tắc của Đề cương nhằm khơi thông, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam thông qua hệ thống các giải pháp cải thiện khung khổ thể chế cũng như hoàn thiện chính sách hiện hành.
Văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây cũng chính là sự tiếp nối và sáng tạo các quan điểm, lý luận và tư tưởng của đề cương văn hóa Việt Nam 1943./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Chí Phương