Theo tài liệu lịch sử để lại, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long cùng với Văn Thánh Miếu Biên Hòa ở Đồng Nai và Văn Thánh Miếu Gia Định đã tạo nên bộ 3 Văn Miếu nổi tiếng ở Nam Bộ vào thế kỷ 19, khi nền Nho giáo được đề cao, trong đó Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xây dựng muộn nhất, từ năm 1864-1866.
Người có công xây dựng công trình kiến trúc này là Kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông. Tuy lấy danh nghĩa là đề cao Nho giáo nhưng thực chất là nơi sinh hoạt của những sĩ phu yêu nước, đề cao sự học nước nhà.
Trải qua hơn 150 năm, với nhiều biến động của lịch sử và thời gian, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn gần như bảo tồn được tính nguyên vẹn của công trình kiến trúc, từ hai hàng sao cổ thụ cao vút dọc lối vào đã hơn trăm năm tuổi, 3 tấm bia đá cổ mang giá trị ghi dấu các thời kỳ lịch sử, 2 khẩu súng thần công được cho là bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860, đến điện Đại Thành, Văn Xương Các... Hiện đây vẫn là nơi thờ Khổng Tử, các vị cao đồ, Thất thập nhị hiền, cụ Võ Trường Toản, cụ Phan Thanh Giản và các quan trọng thần ở Vĩnh Long...
Hàng năm, Văn Thánh Miếu có 4 dịp lễ lớn là lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh; lễ vía cụ Phan Thanh Giản vào các ngày 4-5/7 âm lịch; lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào ngày 12-13/10 âm lịch. Là một trong những điểm tham quan nổi tiếng ở Vĩnh Long, trước khi có dịch Covid -19, lượng du khách trung bình hàng năm đến Văn Thánh Miếu khoảng 30.000 lượt khách, bao gồm du khách trong và ngoài nước.
Lê Liên - Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.