Đã từng có một thời gian khá dài công tác tại Ban Quản lí Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, trong những di tích lịch sử văn hóa của địa phương thường xuyên thuyết minh cho du khách, chị Minh Trang luôn ưu ái dành cho quần thể lăng và nhà tưởng niệm Thoại Ngọc Hầu một tình cảm đặc biệt.
Khi nhắc đến nhân vật Thoại Ngọc Hầu, người dân An Giang đều biết trong những năm tháng làm quan tại An Giang, ông đã tập hợp lưu dân, khai sơn khẩn đất, phát triển nông nghiệp. Dưới sự cai quản của ông, những vùng hoang hóa, rừng rậm không người lui tới trở thành những vùng ruộng đất tốt tươi, con người tập trung sinh sống hòa bình, sung túc. Đặc biệt, công lao to lớn nhất của ông đối với miền Nam là đã tổ chức đào hai con kênh chiến lược là kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giao thông, thương mại thời bấy giờ
Lăng Thoại Ngọc Hầu bên triền núi Sam ngày hôm nay chính là nơi ông đã từng sinh sống trong những tháng ngày làm quan tại An Giang. Ở khoảng sân phía trước lăng là nơi đặt phần mộ ông cùng 2 người vợ đã kề vai sát cánh cùng ông lập nên nhiều công trạng to lớn. Đặc biệt, bà chính thất Châu Thị Tế chính là người được lấy tên để đặt tên cho con kênh Vĩnh Tế huyền thoại.
Bên cạnh lăng Thoại Ngọc Hầu là nhà tưởng niệm Thoại Ngọc Hầu, nơi trưng bày những hiện vật gắn liền với cuộc sống của ông tại mảnh đất này. Phía trước nhà tưởng niệm là mộ của các tướng sĩ đã hi sinh trong quá trình xây dựng kênh Vĩnh Tế.
Ngày hôm nay, ở An Giang, tên ông Thoại Ngọc Hầu được lấy để đặt tên cho những con đường, những ngôi trường. Bên triền núi Sam, quần thể lăng và nhà tưởng niệm Thoại Ngọc Hầu uy nghi, yên tịnh, trở thành một điểm đến được nhiều du khách ghé thăm để tìm hiểu về một danh tướng đã gắn cuộc đời mình với công cuộc xây dựng và kiến thiết vùng đất này.
Thực hiện: Nguyên Hạnh – Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.