Đây không phải là lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra và điều đáng nói là chính Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận giải pháp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo các doanh nghiệp du lịch, trong chi phí tour du lịch, thông thường chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 1/3 tổng gói tour. Chính vì vậy chi phí vận chuyển có sức chi phối không hề nhỏ đối với quyết định lựa chọn tour du lịch của khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm mạnh do tác động từ nhiều đợt dịch bệnh Covid-19, thì việc hạ giá thành các chi phí gói tour được xem là yếu tố tác động tâm lý tích cực thu hút người dân đi du lịch.
Tuy nhiên, việc Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT áp dụng mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa quy định, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 được nhận định là sẽ tạo thêm áp lực cho các hãng hàng không và ngành du lịch trong bối cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay.
Lý giải về đề xuất áp giá sàn vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: Việc điều tiết mặt bằng giá nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước (cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Không nên vì hỗ trợ một doanh nghiệp có sức chi phối thị trường lớn mà vô hình chung tạo thêm rào cản khó khăn cho sự hồi phục của ngành du lịch và chính các hãng hàng không.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến mọi hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ du lịch hoàn toàn bị đình trệ. Các dịch vụ gia tăng nguồn thu không còn, nhưng hầu hết các chi phí cố định vẫn phải chi trả. Điều họ kỳ vọng lúc này chính là sẽ nhận được nhiều hỗ trợ tạo thuận lợi cho họ hồi phục trở lại ngay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, thay vì những rào cản như áp giá sàn vé máy bay.
Thực hiện: Vũ Đào – Lê Hải
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.