Qua thời gian, Di chúc của Người được minh chứng là một kiệt tác chứa đựng tinh thần cao cả, sâu sắc nhưng cũng rất gần gũi với đời sống hàng ngày, vừa có giá trị lịch sử vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Rất nhiều vấn đề được Người nêu ra trong di chúc vẫn còn nguyên vẹn giá trị đến ngày nay.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trên 8 tờ giấy kích thước khác nhau. Điều đặc biệt là bản di chúc không phải được hoàn thành ngay trong một lần viết, mà cứ đến dịp sinh nhật hàng năm, Bác lại sửa lại, bổ sung thêm những vấn đề thời sự, như năm 1966, Bác thêm phần tự phê bình và phê bình trong Đảng và nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1968, Bác viết bổ sung 6 trang viết tay, gồm một số việc riêng và một số công việc cần làm sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa di chúc lần cuối. Mỗi dòng mỗi chữ trong bản Di chúc đều chứa đựng tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho Đảng, cho nước, cho dân.
Hơn 50 năm qua, những lời dặn dò, tâm nguyện của Người vẫn còn nguyên vẹn giá trị, trở thành kim chỉ nam trong mọi đường lối lãnh đạo của Đảng, mọi chính sách phát triển, xây đựng đất nước. Học tập và làm theo Bác từ một cuộc vận động đã trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục hàng ngày. Học theo Bác không phải những gì lớn lao mà từ lối sống giản dị, tiết kiệm, học ở Bác tấm lòng yêu thương nhân hậu, tương thân tương ái. Đó cũng chính là cội nguồn của tinh thần đoàn kết dân tộc, giúp nước ta vượt qua đại dịch Covid-19.
Với hơn 1.200 từ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay.
Tiến Dũng - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.