Vẹn nguyên giá trị lời kêu gọi thi đua ái quốc
Nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân.
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Mục đích thi đua ái quốc là: giết giặc đói khổ, giết giặc dốt nát, giết giặc ngoại xâm”. Với cách làm là :dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau. Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều. Với cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, mộc mạc… lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện từ mục đích đến vai trò, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng, kết quả và sức lan tỏa của phong trào thi đua ái quốc.
Quán triệt và thực hành “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển nở rộ trên nhiều lĩnh vực, với nhiều tầng lớp tham gia.
Trải qua các giai đoạn cách mạng với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước trở thành một dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những quan điểm về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh như những lời hiệu triệu, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, tạo thành sức mạnh to lớn để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ chiến thắng các kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Tưởng rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, làm dấy lên trong giới trẻ những phong trào yêu nước sâu rộng, thường xuyên, coi đó là một phương thức cần thiết nhằm tạo ra một động lực phát triển, đưa Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ra đời cách đây 75 năm, nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự sâu sắc, vẹn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Những chỉ dẫn của Người về mục đích, lực lượng, cách làm trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện: Tiến Dũng – Trọng Khánh