Điều này được cho là khó thực hiện. Có lẽ vậy mà việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, được nghỉ hưu sớm được nhiều người ủng hộ.
Giống như nhiều giáo viên mầm non khác, giờ làm việc của cô Nguyễn Thị Đông bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 5h chiều. Bước sang tuổi 51, gần 30 năm gắn bó với nghề, cái tuổi cũng đuổi dần sức xuân, và sự mềm dẻo cần có của một giáo viên mầm non trong cô không còn. Việc kéo dài tuổi hưu dường như gây ra nhiều áp lực đối với cô Đông.
Cường độ làm việc cao, sức ép từ yêu cầu an toàn cho trẻ, cùng với những việc không tên khiến sức khỏe các cô suy giảm. Không những thế, chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.
Giáo viên mầm non làm ngoài giờ, ngoài hưởng lương theo bậc, theo quy định của luật giáo dục thì giáo viên sẽ được 35% phụ cấp nghề. Tuy nhiên số tiền mà các cô nhận được chỉ như muối bỏ bể và chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, người lao động nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ. Và đó cũng là điều mà nhiều giáo viên mầm non mong ngóng./.
Thực hiện: Huy Vinh - Anh Dũng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.