Cụ thể, 37 toa tàu được đề xuất nhập về có thể chạy độc lập thay vì phải có đầu kéo như tàu Việt Nam hiện nay. Việc này sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, nếu đóng mới các toa tàu ngành đường sắt sẽ phải đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi tiếp nhận miễn phí từ phía đối tác Nhật Bản, sẽ chỉ phải chi trả khoảng 140 tỷ đồng. Trong đó, hơn 40 tỷ là chi phí vận chuyển, 80 tỷ để thực hiện hoán cải toa xe, còn lại là các chi phí khác như: đăng kiểm, tư vấn, dự phòng...
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Phan Lê Bình, chuyên gia về hạ tầng đô thị cho biết, các toa tàu của Nhật tuy có tuổi đời hơn 40 năm nhưng được kiểm tra, kiểm định định kỳ. Quy trình kiểm định ngặt nghèo hơn kiểm định ô tô rất nhiều, thông thường 1-2 năm hoặc tùy theo số km lăn bánh mà họ có những kiểm định, đánh giá chặt chẽ, thay thế những phụ tùng hao mòn hoặc thậm chí cả động cơ, sơn sửa rất nhiều trong quá trình sử dụng theo đúng quy trình của Nhật.
Xét về hiệu quả kinh tế khi nhập 37 toa tàu này thì tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc đóng mới các toa tàu ở Việt Nam.
Đặc biệt, theo ông Bình, công nghệ của các toa tàu cũ mà Nhật đang sử dụng vẫn rất hiện đại. Khác với công nghệ đầu máy gắn ở đầu để kéo theo hàng chục toa phía sau mà Việt Nam đang sử dụng, công nghệ ở các toa tàu của Nhật sẽ rất thích hợp khi chạy ở cự ly ngắn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi nhập 37 toa tàu cũ này cần phải có hội đồng đánh giá chất lượng ký chịu trách nhiệm, đảm bảo kỹ thuật vẫn còn chạy được 10-15 năm, và tính an toàn, các hệ thống vẫn còn tốt thì lúc đó mới tính phương án nhập về.
Đại diện ngành Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, các toa tàu này phù hợp chạy các tuyến ngắn dưới 300 km như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh... sẽ giảm được chi phí chạy tàu. Mặt khác có thể tăng tần suất chạy tàu trên tuyến ngắn, không phụ thuộc vào giờ tàu cố định từ trước, đủ khách là chạy.
Thu Hương - Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.