Video Tin trong nước

Việc đưa Giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại có hợp lý?

Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên xung quanh đề xuất này còn nhiều ý kiến khác.
21:26 - 04/08/2023

Việc đưa Giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại có thật sự cần thiết và hợp lý?

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có khoảng hơn 2.000 giáo viên mầm non trong tổng số khoảng 1,6 triệu giáo viên. Do đặc thù giáo viên mầm non thường dạy trẻ nhỏ, vừa dạy vừa phải dỗ, chăm bẵm... môi trường làm việc nhiều tiếng ồn nên công việc khá căng thẳng, áp lực. Thời gian qua, giáo viên mầm non cũng là khu vực có tỷ lệ bỏ nghề cao. Việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp ngành có thể “giữ chân” được giáo viên đang làm nghề do được hưởng thêm các quyền lợi, chính sách hỗ trợ như có thêm phụ cấp nghề nặng nhọc, độc hại, hay tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, … 

Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ, nhiều người cũng cho rằng nghề nào cũng có những góc khuất, những sự vất vả nhất định, nghề giáo viên mầm non cũng vậy. Việc công nhận nghề độc hại nguy hiểm là chưa chắc đã là biện pháp hợp lý để giải quyết những khó khăn áp lực cho giáo viên mầm non.

Là một giáo viên trẻ, chị Hà Hương Giang đến với nghề bằng tình yêu thương và mong muốn chăm sóc các em bé. Khi biết thông tin Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ LĐTB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, dù cũng vui mừng vì nghành nghề của mình được quan tâm, ghi nhận nhưng chị Giang cũng thấy còn trăn trở nhiều điều.

Những góc khuất khó nhọc của giáo viên mầm non không phải ai cũng thấu hiểu được. Việc ngành nghề có được công nhận là nặng nhọc và độc hại hay không sẽ còn cần trải qua những đánh giá, thẩm định khắt khe, khoa học. Tuy nhiên, trước mắt cần có những thay đổi tích cực về chính sách đãi ngộ để “giữ chân” những người lấy niềm vui chăm trẻ làm lẽ sống. Và cần nhiều hơn nữa cái nhìn cảm thông từ phía xã hội, từ phía phụ huynh dành cho những cô giáo mầm non…/.

Thực hiện:  Thúy Vy – Trọng Khánh