Ngô Tất Tố (1893 - 1954) quê ở làng Lộc Hà, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Nãm 1915, ông đỗ đầu kì khảo hạch ở địa phương khi mới 20 tuổi nên được gọi là “ông đầu xứ Tố”. Ông cũng vừa là nhà báo, vừa là nhà văn theo lối mới và có sức viết rất dồi dào.
Sự nghiệp và tác phẩm của ông để lại cho đời rất đồ sộ, khoảng 1.500 tác phẩm trên tất cả mọi lĩnh vực. Những tác phẩm chính của ông bao gồm cả tiểu thuyết và phóng sự. Trong đó, “Việc làng” là loạt phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố được in trên báo Hà Nội Tân văn ra mắt lần đầu tiên vào năm 1940.
Trong “Việc làng”, nông thôn miền Bắc những năm đầu thế kỷ XX hiện lên sống động, trọn vẹn với đầy đủ mọi vẻ, mối quan hệ làng xã. Ngòi bút Ngô Tất Tố phơi bày tất cả mặt trái của vẻ phong lưu mà các hương chức ở làng thôn khoác lên mình, bên trong nó là máu, nước mắt và nỗi khổ cực của những phận dân nghèo.
“Việc làng” là tuyển tập phóng sự về các hủ tục ở nông thôn nhưng không dừng lại ở những hiện tượng tiêu cực trên bề mặt. Thông qua thiên phóng sự về những hủ tục, một lần nữa nhà văn Ngô Tất Tố lại có dịp nói lên nỗi khổ của nông dân. Có người phải dỡ cả nhà bán lấy củi để lo một cỗ oản tuần sóc, có người phải bỏ làng ra đi vì không đủ tiền mua cỗ cho một đứa bé mới lên năm tuổi, có người phải đi ở kéo xe làm cái kiếp ngựa người để trừ một "món nợ chung thân" vì lo đám tang cho vợ, có kẻ bị làng "ngả vạ" uất ức quá phải thắt cổ tự tử.
Mỗi chuyện trong “Việc làng” là một tấn thảm kịch ngắn của nông thôn Việt Nam dưới ách thực dân phong kiến. Đặc biệt, nhà văn Ngô Tất Tố tập trung tố cáo những hủ tục đồi bại như một gánh nặng đè nên đời sống người nông dân và đặt vấn đề phải gấp rút cải tạo bộ mặt của làng xã phong kiến Việt Nam.
Mời quý vị xem các chương trình Sách và cuộc sống đã phát sóng tại đây./.