Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Thắng Mố nằm trên địa bàn xã Thắng Mố, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi học tập của khoảng hơn 400 em học sinh là con em đồng bào dân tộc thuộc một trong những xã nghèo nhất của huyện miền núi này.
Ngôi trường có diện mạo khang trang như hiện nay là nhờ sự tài trợ của một tổ chức tài chính khoảng gần chục năm về trước. Nhưng ẩn sau đó là những thiếu thốn chưa bao giờ hết của thầy và trò nơi đây. Trong căn phòng được mở ra để làm thư viện này, đầu sách chẳng có là bao và phần lớn đều là sách tham khảo, sách giáo khoa và những cuốn sách đã cũ đến vài năm nay.
Vừa là thầy cô, vừa như những người cha người mẹ, các thầy cô giáo ở Thắng Mố còn như những người bạn gần gũi, động viên các em làm quen với sách. Bởi các thầy cô biết, sách chính là cầu nối tri thức, giúp các em có thêm nhiều kiến thức, mở rộng thế giới quan, phát triển khả năng tự học… Trên thực tế, học sinh miền núi có nhu cầu đọc sách rất cao, đặc biệt là truyện tranh có chủ đề về truyền thuyết dân gian, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc và các thể loại truyện cổ tích, truyện lịch sử…
Ngày hôm nay, trong khi ở nhiều nơi, nhiều chỗ, các sự kiện, hoạt động được tổ chức tưng bừng nhằm kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam, thì ở Thắng Mố, các thầy cô chỉ có một mong muốn giản dị.
Giờ ra chơi ở một ngôi trường miền núi. Lũ nhỏ say sưa với trò bắn bi. Phía sau lưng là thư viện và phòng đọc sách thưa vắng người. Do thiếu sách, sách không hay, không phù hợp… trẻ em miền núi lại càng ít đọc sách. Và như vậy, không dễ gì để những giấc mơ cất cánh, vượt lên trên những ngọn núi đá cằn cỗi nơi đây…
Lê Liên - Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.