Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. 4 chuyên đề này gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2022. Và chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ gây khó khăn cho công tác giám sát thời gian tới. Do đó, đại biểu đề nghị có kịch bản cho việc đi lại, bố trí nhân sự tham gia đoàn, lãnh đạo đoàn giám sát theo hướng danh sách mở, tức là khi khu vực nào có dịch thì phân công đại diện đoàn giám sát ở khu vực đó thực hiện. Đồng thời, xây dựng cơ chế, quy trình giám sát cho các đại biểu, tổ đại biểu thực hiện quyền giám sát của mình.
Đồng tình với 4 chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn rất khốc liệt, và có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022 thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, rất cần có các chương trình giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua.
Thực hiện: Huy Vinh – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.