Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng
Theo các đại biểu, vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng có tiềm lực lớn về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là vùng có số lượng các đại học và nhân lực Nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất cả nước; trên 500 tổ chức KH&CN; 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Trong giai đoạn vừa qua, các địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ, xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng chưa có tính thống nhất và đồng bộ. Một số địa phương trong vùng, trong khu vực thiếu tính kết nối và chia sẻ. Vì vậy, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng, các đại biểu cho rằng, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng cần sát cánh, đồng hành cùng nhau trong một số nội dung hoạt động cụ thể như: Hợp tác chia sẻ thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các điển hình khởi nghiệp của các địa phương trong vùng....
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại địa phương, đây chính là nguồn lực quốc gia đóng vai trò khởi tạo, gợi mở. Do vậy, các tỉnh, thành cần tập trung vào con người, phát triển đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng hệ thống cơ sở khoa học - thực tiễn, nòng cốt trong việc đảm nhiệm hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ; đi đầu trong việc lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của thế giới vào phát triển các ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam./.
Thực hiện: Tiến Dũng - Quốc Hùng