Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Con ngõ nhỏ vắng hiu vắng hắt trong ngày lạnh nhất của mùa Đông năm nay. Thuộc địa bàn làng Mễ Trì nổi tiếng trước đây nhưng tuyệt nhiên không thấy một cửa hàng giới thiệu sản phẩm cốm truyền thống đúng nghĩa nào. Không phải mùa cốm nên cả làng không có bất kì hoạt động sản xuất nào ngoại trừ một nhà.
Quy trình sản xuất từ xưa truyền lại được tuân thủ nghiêm ngặt. Cốm trái mùa được đóng gói vào túi nilon, hút chân không cẩn thận. Cốm thành phẩm được giao cho các nhà bán lẻ, chế biến thành các món ăn khác nhau. Trong đó, theo lời của chủ cơ sở sản xuất này, hầu hết cốm Mễ Trì đổ buôn cho khách làng Vòng – làng làm cốm nổi tiếng Hà Nội.
Loại hình sản xuất theo kiểu “gia công” tạo ra lợi nhuận cho các bên tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh một trong những mặt hàng tiêu biểu của ẩm thực thủ đô. Một bên là nhà sản xuất, đương nhiên lợi ích về mặt kinh tế không cao, nhưng họ lại được hưởng một phần thu nhập từ một thương hiệu khác, có tiếng hơn. Sự chậm trễ của cấp chính quyền đối với việc xây dựng thương hiệu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của địa phương.
Bài học từ làng lụa Vạn Phúc rõ ràng cần được nhân rộng hơn. Việc tận dụng ưu thế từ sự nổi tiếng sẵn có của lụa Vạn Phúc, lụa Hà Đông giúp cho Vạn Phúc thu hút được sự quan tâm của khác hàng.
Xây dựng thương hiệu Made in Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đòi hỏi sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ban ngành liên quan. Phát triển thương hiệu bằng nhiều hình thức, như đăng ký chỉ dẫn địa lý, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là sự quan tâm của chính người làm nghề đối với việc tạo ra một nhãn hàng của chính mình.
Như Nguyên - Đức Thành
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.