Xe máy phải bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông: Liệu có hợp lý?
Sau gần 3 năm, quy định xe máy phải bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông lại được tái đề xuất, dù trước đó đã gây ra những phản ứng trái chiều từ phía dư luận. Hiện nay, xe máy đang là phương tiện di chuyển chính của người dân, và chiếm 86% lượng phương tiện tham gia giao thông. Nếu tất cả cùng bật đèn ban ngày thì vô tình tạo ra hiệu ứng ánh sáng, rất khó chịu và gây ức chế thị giác...
Rõ ràng, việc hạn chế tai nạn giao thông đến từ nhiều yếu tố như không tuân thủ phần đường, làn đường, tốc độ tham gia giao thông, ý thức người điều khiển phương tiện... Chứ không phải bật đèn nhận diện cả ngày chỉ để mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông. Theo các Chuyên gia, nếu cần thiết phải bật đèn nhận diện, thì phải có quy chuẩn rõ ràng, tránh trường hợp nhầm lẫn giữa đèn nhận diện và đèn chiếu sáng phía trước.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Quy định như đề xuất chỉ phù hợp với các nước Châu Âu, khi điều kiện ánh sáng không đủ. Còn đối với Việt Nam là đất nước nhiệt đới, việc bật đèn ban ngày sẽ ảnh hưởng chất lượng quang học, tạo cảm giác nóng bức cho người tham gia giao thông. Đồng thời, tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí cho người dân.
Ở một khía cạnh khác, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đặc thù giao thông nước ta là hỗn hợp, thay vì đưa ra các quy định gây khó cho người dân thì các cơ quan quản lý nên tính đến việc thiết kế làn đường dành riêng cho xe máy để tránh ùn tắc và giảm thiểu TNGT.
Số vụ TNGT liên quan đến xe máy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông và quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp thực tiễn, chưa phát huy được tối đa các tính năng công nghệ đã áp dụng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi luật cần phải có tầm nhìn xa nhưng cũng phải phù hợp thực tiễn đất nước, dễ dàng đi vào thực tế, tránh tình trạng luật ra rồi vẫn gây tranh cãi hoặc vừa ra đã phải sửa.
Thực hiện: Thu Hương – Lê Thanh – Quốc Hùng.