Video Tin trong nước

Xem xét lại chỉ tiêu phấn đấu đạt được về phát hiện, triệt phá các tụ điểm ma túy

Chiều 8/11, thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các ĐBQH đề nghị xem xét lại chỉ tiêu phấn đấu đạt được trong việc phát hiện, triệt phá các tụ điểm về ma túy.
10:55 - 09/11/2024

XEM XÉT LẠI CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU ĐẠT ĐƯỢC VỀ PHÁT HIỆN, TRIỆT PHÁ CÁC TỤ ĐIỂM MA TÚY

Đóng góp ý kiến vào việc quyết định xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu nhấn mạnh, đây là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ tình hình thực tiễn. Để hoàn thiện dự thảo và khi ban hành nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy có hiệu quả cao nhất, xuất pháp từ thực tiễn, một số đại biểu cho rằng, cần xem xét lại chỉ tiêu phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá.

Ngoài ra, trong Chương trình cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ, nhà giáo làm công tác giáo dục phòng, chống ma tuý được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma tuý; 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng pháp luật về phòng, chống ma tuý cho người học. Có ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm đối tượng là đoàn thanh niên vào chương trình.

Dự báo hiểm họa ma tuý ngày càng phức tạp, các đại biểu nhấn mạnh bên cạnh quyết tâm chính trị cần có sự kiên trì, kiên quyết, với các biện pháp mạnh mẽ hơn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; đồng thời đổi mới phương pháp, cách thức, phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng. Để đạt được cao nhất mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, một số ý kiến đề nghị ưu tiên các giải pháp phòng hơn là chống.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi), đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật; rà soát phạm vi điều chỉnh để không chồng chéo với một số luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Quản lý ngoại thương./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng