Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Báo cáo giải trình, trong kỳ họp lần này đề cập tới một số nội dung như: mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; tạm giữ người theo thủ tục hành chính; quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính…
Trong đó, về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thực tiễn thi hành quy định này đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: bổ sung thêm 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau.
Thứ nhất, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, vì đó là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác. Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm; tuy nhiên, đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Ngoài những vấn đề lớn nêu trên, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý ở nhiều điều, khoản khác theo ý kiến của đại biểu Quốc hội cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.