XÉN DẢI PHÂN CÁCH, CẮT GỌT VỈA HÈ: CÓ LÀM GIẢM ÙN TẮC GIAO THÔNG?
7 tuyến đường được đề xuất xén vỉa hè và dải phân cách gồm Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Trong đó, tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu có chiều dài hơn 8,5 km, dải phân cách giữa rộng 3-7 m. Cả 4 tuyến này đều có 3 làn xe mỗi chiều, trong đó một làn dành cho BRT và 2 làn hỗn hợp. Vào giờ cao điểm, lượng phương tiện trên các tuyến này đã vượt quá gấp 1,7-4 lần so với thiết kế, gây ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều người dân cảm nhận việc mở rộng những tuyến đường này sẽ đỡ ùn tắc hơn…
Cảm quan là như vậy, song theo một số chuyên gia, dải phân cách và vỉa hè là những hạng mục hình thành nên một tuyến đường, không thể tùy ý thay đổi kết cấu của tuyến đường và cũng không thể “lấn” phần đường đường cho người đi bộ để biến thành đường cho xe chạy.
Cũng chung nhận định về việc xén dải phân cách, vỉa hè chỉ là giải pháp cục bộ tạm thời, chuyên gia đô thị Trần Huy Ánh cho rằng, việc xén vỉa hè, dải phân cách để mở rộng đường được Hà Nội thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đánh giá tổng thể việc mở rộng đường có làm giảm ùn tắc hay không, trong khi việc này chỉ làm xấu đi mỹ quan đô thị, gây tốn kém và ảnh hưởng xấu tới cơ sở hạ tầng.
Các chuyên gia đều đánh giá, giải pháp xén dải phân cách, vỉa hè chỉ là cách làm chắp vá, tốn kém, đổi lại, ùn tắc liệu có giảm… Trong khi đó, cây xanh phải di chuyển, cột đèn, công trình ngầm cũng phải dịch chuyển hoặc phải đập đi xây lại. Để giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị, cần có những giải pháp đồng bộ và quy hoạch chi tiết mới có thể đem lại kết quả bền vững, chứ không thể đơn thuần là thu gọn và cắt xén./.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương