Theo Bác sỹ chuyên khoa 2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, việc xét nghiệm nhanh là cần thiết trong trường hợp số người về từ vùng dịch là quá lớn, nếu không xét nghiệm thì bằng mắt thường không thể nhận biết, đồng thời cũng không có cơ sở để sàng lọc hay phân luồng, phân tuyến hay là cách ly. Tuy nhiên, đối với xét nghiệm nhanh chỉ chính xác khi bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 từ 5 đến 7 ngày trở lên.
Cũng theo các chuyên gia, việc xét nghiệm nhanh có giá thành rẻ, hệ thống y tế cơ sở có thể triển khai và lấy mẫu được, còn xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR thì chính xác song chi phí cao, đòi hỏi máy móc thiết bị đắt tiền, người lấy mẫu phải được đào tạo riêng, bài bản chứ không thể triển khai rộng. Số lượng xét nghiệm cũng bị hạn chế.
Xét nghiệm nhanh cũng có 1 nhược điểm khác đó là độ chính xác không cao.
Theo các chuyên gia, dù có xét nghiệm nhưng để phòng được dịch bệnh hay không chính là do người dân. Chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 19 của Chính phủ, không đến mức ngăn sông cấm chợ nhưng khi người dân thực sự không có việc cấp bách thì không nên ra khỏi nhà. Và nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay. Đặc biệt nếu tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ thì phải khai báo y tế ngay. Trường hợp nếu đi khám bệnh phải tuân thủ theo sự phân luồng của cơ sở y tế, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, Hà Nội đang chuẩn bị 11 bệnh viện đủ năng lực đồng thời chuẩn bị công tác xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR với số lượng từ 3 đến 5 nghìn người một ngày.
Thực hiện: Cao Thắng - Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.