Theo đó, sau hơn 6 năm triển khai thi hành, Luật xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo tờ trình dự án luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, sẽ sửa đổi, bổ sung nội dung của 61/142 điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, đáng chú ý là tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực như: giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in ấn, an toàn thông tin mạng. Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Quy định cụ thể các loại thời hạn ra quyết định xử phạt, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khác nhau cho từng loại vụ việc.
Trình bày báo cáo thẩm tra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tuy nhiên, về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến Ủy ban Pháp luận tán thành với ý kiến bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Phòng, chống ma túy và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
Thực hiện: Vũ Khuyên, Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.