Ý KIẾN TRÁI CHIỀU XUNG QUANH ĐỀ XUẤT THU PHÍ CAO TỐC ĐẦU TƯ CÔNG
Với bất cứ 1 người dân nào thì việc tăng thêm 1 loại phí cho hoạt động đi lại của họ cũng đồng nghĩa tăng chi phí đi lại hay nói đơn giản hơn là mất thêm tiền. Đặc biệt là đối với những người sử dụng ô tô, khi mà để vận hành 1 chiếc xe ô tô ở Việt Nam đã phải gánh quá nhiều loại thuế và phí. Vậy nên hiển nhiên, đó là điều không ai mong muốn.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, việc thí điểm thu phí sẽ được thực hiện trên 9 tuyến cao tốc phía Nam do Nhà nước đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2025. Đó là các tuyến cao tốc: TP Hồ Chí Minh – Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2. Ai cũng hiểu, các tuyến cao tốc sẽ hỗ trợ đắc lực như thế nào trong công tác phát triển kinh tế xã hội của các vùng kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, việc thu phí cao tốc đầu tư công là điều chưa có tiền lệ ở nước ta.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu tiến hành thu phí thì mức phí phải được xem xét cân đối với lưu lượng giao thông, khả năng chi trả, mong muốn chi trả của người dân tại từng thời điểm cũng như cân nhắc về mức phí giữa tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư với trạm BOT đầu tư chạy song hành, có khả năng chia khách.
Thực tế, khi di chuyển trên các tuyến cao tốc, người dân, doanh nghiệp đều được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh. Ngược lại khi không đi vào cao tốc, doanh nghiệp không mất phí cao tốc nhưng tăng chi phí nhiên liệu, thời gian, giảm hiệu quả kinh doanh. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần có quan điểm rõ ràng để người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn khi tham gia giao thông./
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng.