Tượng đài kỷ niệm Đội Hoàng Sa khẳng định các giá trị lịch sử ở Lý Sơn
Với diện tích 10km2, đảo Lý Sơn có tới hơn 50 di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu cho quá trình định cư trên đảo của người Việt từ hàng trăm năm trước, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia
Đình làng An Vĩnh
Đình làng An Vĩnh là công trình lịch sử lâu đời nhất ở đảo Lý Sơn, được xây dựng từ thế kỷ 18. Đình nằm ngay sát cảng biển Lý Sơn với mặt tiền hướng về đất liền. Khuôn viên đình rộng khoảng 2000m2 trong đó có 1000m2 sân đình. Đình được kiến trúc theo lối chữ Tam theo phong cách kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng, liên kết với nhau bằng hệ thống máng xối dài. Các chi tiết trang trí rất tỉ mỉ trên cột, mái, đầu đao theo kiểu tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm – dương truyền thống của người Việt với ý nghĩa cầu mong hạnh phúc bình an cho dân làng.
Đình làng An Vĩnh nổi bật với các chi tiết trang trí tỉ mỉ sinh động
Trong đình có bàn thờ cúng tổ tiên của 13 dòng họ trên đảo Lý Sơn và là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, văn hóa dân gian của các dòng họ này. Đây cũng là nơi diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 19/3 âm lịch hàng năm tại đảo Lý Sơn.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Nghi lễ này đã có từ 400 năm trước, khi Đội Hoàng Sa được thành lập giữa thế kỷ 17 với 70 dân binh của hai làng An Vĩnh và An Hải (thuộc đảo Lý Sơn ngày nay). Từ đó, hàng năm người dân của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội làm phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Lễ khao lề thế là một lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn người xưa đã tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận.
Đình làng An Vĩnh được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2013.
Đình làng An Hải
Đình làng An Hải được xây dựng dưới thời vua Gia Long thế kỷ 19. Đình được xây dựng ban đầu chủ yếu là vật liệu tranh tre, gỗ và được người dân địa phương gọi là “Sở tam phủ” thờ Thiên Địa - Thánh Thần, Tam Hoàng – Ngũ Đế và 7 vị tiên hiền – 24 vị hậu hiền ở làng An Hải. Dưới thời vua Minh Mạng, đình được xây lại bề thế gồm tiền đường và chính điện theo lối chữ “Nhị” và thời gian sau được bổ sung thêm các công trình xung quanh. Trong lần trùng tu dưới thời vua Bảo Đại năm 1943, đình lại được xây thêm một số công trình tạo thành kết cấu hình chữ “Tam”, mặt chính quay ra biển, lưng tựa vào núi Thới Lới. Cấu trúc của đình cũng ổn định từ đó đến nay. Kiến trúc đặc trưng của đình An Hải là cầu trúc cột trụ, từ cặp trụ biểu phía trước, hệ thống 10 cột ở tiền đường, đến 16 cột khung ở chính điện.
Ảnh: quangngai.gov.vn
Đình làng An Hải là ngôi đình duy nhất còn giữ tương đối nguyên vẹn cấu trúc ban đầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Di tích đình làng An Hải được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1997
Âm Linh tự
Âm Linh tự , được lập từ thế kỷ 17 , thờ ngài Thượng Thiên – bậc thánh bảo hộ người đi biển nên được ngư dân Lý Sơn rất kính ngưỡng. Đây là nơi ngư dân trước khi ra biển hoặc đi hành nghề đến để cầu xin sự bình an và làm ăn may mắn; khi trở về lại đến để lễ tạ. Đây cũng là nơi thờ cúng “thập loại chúng sinh” những người chết mất xác trên biển. Về sau từ thời vua Gia Long, Âm Linh tự đặc biệt trở thành nơi qui tập và thờ phụng chung những người lính trong đội Hoàng Sa thuộc các làng trên đảo Lý Sơn đã hy sinh trong quá trình đánh dấu chủ quyền quốc gia và bảo vệ biển đảo. Trước sân có đài tưởng niệm liệt sỹ trận vong.
Âm Linh tự là địa điểm linh thiêng nhất trên đảo Lý Sơn
Cùng với Âm Linh tự, trên đảo Lý Sơn có rất nhiều ngôi mộ gió (mộ không có xác) của những lính đội Hoàng Sa đã hy sinh ngoài biển.
Âm Linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007.
Chùa Hang
Chùa Hang được thành lập từ thời vua Lê Kính Tông với tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, nghĩa là Chùa đá trời sinh, tọa lạc tại lưng chừng ngọn núi Thới Lới và nằm sâu trong lòng núi.
Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng đảo Lý Sơn, chùa Hang có chiều rộng bên trong gần 500m2, cao 3,2m và là công trình kiến trúc rất chi tiết tỉ mỉ, phối hợp từ ngoài vào trong.
Chùa Hang là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng
Trước chùa Hang, có bức họa Thiện tài đồng tử và tượng Quan Thế Âm bồ tát hướng nhìn ra Biển Đông. Bước vào bên trong hang đá, du khách sẽ nhìn thấy bệ thờ Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn và Hoa Nghiêm Tam Thánh ở chính điện. Bên trái điện là ban thờ Địa Tạng Vương bồ tát, Đạt Ma tổ sư; bên phải là Quán Thế Âm bồ tát và Thập Điện Diêm vương.
Xung quanh chùa Hang là những vách đá tự nhiên kết hợp với các cấu trúc do con người tạo ra, hòa thành một tổng thể lung linh, huyền ảo.
Phạm Hằng