Hang Kia - Pà Cò là hai xã miền núi thuộc huyện Mai Châu (Hòa Bình), nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Nơi đây có nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa được đầu tư khai thác để trở thành điểm đến thu hút du khách.
Ngày 26/7, tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Hang Kia - Pà Cò, ông Bùi Văn Tỉnh - Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình đã đề nghị UBND tỉnh sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng homestay đối với bà con, cụ thể là hỗ trợ vật chất như chăn, ga, đệm, khu vệ sinh... đồng thời có cơ chế để ngân hàng chính sách đầu tư cùng bà con làm homestay đạt tiêu chuẩn.
Ông Bùi Văn Tỉnh cũng cho biết tỉnh Hòa Bình sẽ mở rộng tuyến quốc lộ 6 vào trung tâm xã Hang Kia, nâng cấp hạ tầng điện, nước, viễn thông để thu hút đầu tư, phục vụ hoạt động du lịch.
Hang Kia - Pà Cò có 2 mùa chủ đạo là mùa khô và mùa mưa, khí hậu trong lành mát mẻ, với những khu rừng nguyên sinh còn được bảo tồn
Tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ
Hang Kia - Pà Cò sở hữu những nét đẹp nguyên sơ, không bị ảnh hưởng bởi cuộc sống hiện đại. Đến Hang Kia - Pà Cò, du khách sẽ phải vượt qua những cung đường khúc khuỷu, uốn lượn theo sườn núi. Nơi đây vẫn lưu giữ những nếp sinh hoạt văn hóa của người Mông từ hàng ngàn đời nay.
Người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông, trồng ngô lúa, chè shan tuyết và một số cây quả như mận, đào. Ẩm thực của người Mông cũng là nét độc đáo hấp dẫn du khách với rượu ngô, gà đen, bánh dày, mèn mén, rau quả...
Bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì với nghề dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn. Du khách đi chợ phiên Pà Cò vào sáng chủ nhật có thể trải nghiệm không khí “xuống chợ” rất đặc trưng của đồng bào Mông.
Người dân ở đây nói rằng đến Hang Kia mà chưa đi "săn mây" coi như chưa đến Hang Kia. Đến đây, không phải leo cao, du khách cũng được ngắm mây trắng bảng lảng xung quanh mình.
Làm du lịch tự phát, chưa chuyên nghiệp
Theo Chủ tịch UBND xã Pà Cò - ông Sùng A Màng, Pà Cò có khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng, có đồi chè trái tim, những khu vườn trồng mận, đào. Pà Cò hiện mới có 4 homestay. Đồng bào ở đây rất muốn chuyển dịch sản xuất, muốn làm du lịch, muốn được đầu tư làm du lịch để cải thiện đời sống.
Ông Sùng A Màng- Chủ tịch UBND xã Pà Cò
Chủ tịch UBND xã Hang Kia - ông Khà A Váu cho biết, người dân Hang Kia làm du lịch từ năm 2003 theo nhu cầu của các đoàn khách nước ngoài. Du lịch phát triển mạnh từ năm 2010 trở về đây. Tuy nhiên, các hộ dân tự phát làm, chưa có kỹ năng làm du lịch. Ở Hang Kia mới chỉ có 2 homestay Y Múa và Sơn Bắc. Khách nước ngoài rất thích mô hình du lịch cộng đồng, thích được cùng hái rau, cùng đuổi gà, cùng nấu ăn với người bản địa.
Ông Khà A Váu - Chủ tịch UBND xã Hang Kia (bên phải)
Phàng A Páo (chủ homestay A Páo ở Pà Cò ) cho biết, A Páo trước kia là bộ đội, sau khi xuất ngũ, thấy tiềm năng du lịch của quê hương nên quyết tâm làm du lịch. Năm 2018 là năm đầu tiên làm nên rất vất vả, không có kinh nghiệm, không được hỗ trợ, tư vấn cách làm. Năm 2019, A Páo nhận được sự tư vấn của các khách du lịch nên công việc dần đi vào ổn định. Khách đến homestay của anh khoảng 80% là người Việt Nam. Lúc đông khách, homestay phải bố trí 7-8 người phục vụ.
Homestay Y Múa là 1 trong 2 homestay ở Hang Kia, làm du lịch từ năm 2012. Y Múa cho biết, những lúc đông khách, homestay cần đến 15 người phục vụ. Khách đến homestay chủ yếu qua sự giới thiệu của bạn bè. Người dân làm homestay ở Hang Kia - Pà Cò mong muốn được chính quyền tỉnh, huyện quan tâm, tạo điều kiện được học hỏi kinh nghiệm làm du lịch để phát huy tiềm năng du lịch địa phương, phát triển du lịch cộng đồng.
Phàng Y Anh (18 tuổi) vừa tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Y Anh cho biết, em sẽ theo học trường Cao đẳng du lịch Hà Nội. "Vì Hang Kia - Pà Cò hiện đang phát triển du lịch nên em muốn sau này ra trường sẽ về tham gia phát triển du lịch quê hương", Y Anh nói.
Cần có cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển du lịch Hang Kia - Pà Cò
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Hang Kia - Pà Cò, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cam kết đồng hành, hỗ trợ để chương trình phát triển du lịch Hang Kia - Pà Cò sớm trở thành hiện thực và phát triển bền vững.
Cụ thể, Tổng cục Du lịch sẽ kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về Hang Kia - Pà Cò; Bố trí nguồn lực tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp cho người dân.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung
Ông Chung đề nghị tỉnh Hòa Bình cần có cơ chế chính sách đặc thù dành riêng cho 2 xã, ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn, về thuế, nguồn nhân lực để từ đó tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo cú hích ban đầu cho các nhà đầu tư; Bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp giao thông, nước sạch, viễn thông và hệ thống chỉ dẫn du lịch; Sớm thuê tư vấn lập quy hoạch chi tiết khu du lịch Hang Kia - Pà Cò làm cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển du lịch.
Đối với các doanh nghiệp du lịch, ông Chung đề nghị việc đầu tư phải đảm bảo hài hòa môi trường cảnh quan thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hóa bản địa để phát triển bền vững. Việc kinh doanh du lịch phải gắn liền với người dân, đảm bảo người dân có việc làm, có thu nhập.
Hồng Minh/VOV.VN