Cẩm nang du lịch

Hạn chế rác thải tại các điểm du lịch – vai trò tiên phong của doanh nghiệp

20:28 - 21/07/2019
Với tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, ngành du lịch đang tăng trưởng ấn tượng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, ngành du lịch cũng tạo ra sức ép lớn đến môi trường, rất cần đến vai trò tiên phong hành động của chính các doanh nghiệp du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch nhặt rác tại thị trấn Nông trường Mộc Châu trong khuôn khổ caravan "Chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động 

Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa xả xuống biển 

1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý mỗi năm, chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa toàn cầu, đứng thứ 4 thế giới về lượng rác nhựa xuống biển – Đó là số liệu mới nhất về tình hình ô nhiễm rác thải tại Việt Nam. 

Lướt một vòng quanh các điểm du lịch nổi tiếng, bất cứ đâu cũng bắt gặp hình ảnh ô nhiễm rác thải. Thậm chí, địa danh càng nổi tiếng, ô nhiễm càng nghiêm trọng. 

Tại Vịnh Hạ Long – điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam, nơi hàng năm đón trên 4,1 triệu du khách cũng khốn khổ vì quá tải rác. 

Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, 6 tháng đầu năm nay, số lượng rác thải thu gom được trên vịnh Hạ Long là 573 tấn, trong đó 220 tấn rác ven bờ và 354 tấn ngoài vịnh.

Mỗi ngày, các tàu thu gom vớt được 6-7 tấn rác trên Vịnh Hạ Long.  Ảnh: Nguyễn Hùng 

Anh Mathieu Muselli, du khách Pháp, trong chuyến trở lại Việt Nam tháng 7 vừa rồi đã phải thốt lên rằng: “Việt Nam của các bạn thật đẹp, nhưng ý thức bảo vệ môi trường thì chưa tốt. Tôi không nhận ra vịnh Hạ Long mà trước đây tôi đã từng đến. Khắp nơi toàn là rác, ngoài vịnh hay trong vịnh đều ngập rác.”

Mới đây nhất, ngày 19.7, đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại hình ảnh nhân viên quán lẩu bò B.T, Đà Lạt vứt thẳng hàng chục bao tải rác xuống suối Cam Ly khiến cư dân mạng bức xúc. Điều đáng nói, đây là một thương hiệu khá nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến Đà Lạt. Hình ảnh này khiến du lịch Đà Lạt trở nên nhem nhuốc, xấu xí…

Doanh nghiệp du lịch phải đi tiên phong trong việc bảo vệ môi trường

Nhận thấy việc rác thải nhựa là nguy cơ làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình hành động "Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa để góp phần ngăn chặn tình trạng xả rác, làm ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, góp phần bảo vệ môi trường ở các điểm du lịch tại Việt Nam.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội du lịch Cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò tiên phong của ngành du lịch trong việc bảo vệ môi trường.

“Đơn giản, bảo vệ môi trường thực chất là bảo vệ chính miếng cơm manh áo của ngành du lịch. Ở cơ sở của chúng tôi có đặt nhiều thùng rác và các nhân viên thường xuyên nhắc nhở du khách để rác đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi. Trong các tour du lịch, chúng tôi cũng đặt nhiều khẩu hiệu, thông điệp kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường” – ông Quỳnh chia sẻ.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội du lịch Cộng đồng Việt Nam tại Lễ phát động chương trình "Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa" tại Mộc Châu, Sơn La

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Hanoi Tourist nhấn mạnh, bảo vệ môi trường chính là đạo đức nghề nghiệp của các doanh nghiệp du lịch.

“Kinh doanh du lịch là kinh doanh một loại “hàng hóa” đặc biệt. Đó là sản phẩm vô hình liên quan đến đời sống tinh thần của con người. Du lịch là phục vụ nhu cầu gì đó cao cấp hơn nhu cầu bình thường. Với tôi, bảo vệ môi trường tức là giữ được đạo đức nghề nghiệp. Mình không thể kinh doanh bằng mọi cách” - ông Thắng cảnh báo thêm: “Hãy nhìn một Bangkok phát triển du lịch quá nóng rồi để lại những vấn đề nghiêm trọng đến môi trường như thế nào. Nếu không hành động ngay, Việt Nam có thể đi vào vết xe đổ đó.”

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (người cầm loa) dẫn đầu gần 100 thành viên đoàn caravan diễu hành qua 3 tỉnh Phú Thọ - Hòa Bình - Mộc Châu truyền tải thông điệp "Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa" 

Chị Đinh Thị Thanh Ly, chủ cơ sở homestay “Funny monkeys” ở Quảng Bình cho rằng, vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay đều bắt nguồn từ ý thức của con người. Và bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá khó khăn, mỗi người đều có thể làm, từ những hành động cụ thể, thiết thực nhất.

“Cơ sở homestay của tôi từ lâu đã chuyển sang sử dụng ống hút bằng gạo thay thế ống hút nhựa, đi chợ thì xách làn, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng túi nilon. Nếu không bảo vệ môi trường, không thể có du lịch bền vững.”- chị Thanh Ly nhấn mạnh.

Chị Đinh Thị Thanh Ly (bên trái), chủ cơ sở homestay “Funny monkeys” ở Quảng Bình

Sự chuyển biến trong nhận thức về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp du lịch sẽ là một yếu tố quan trọng để hạn chế rác thải tại các điểm du lịch bởi một lẽ rất tự nhiên, du lịch chính là một nguồn tạo nên rác thải. 

Việt Nam đang ngày càng nổi lên như một điểm đến sáng giá của thế giới. Sức hấp dẫn đó có giữ được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc chúng ta có gìn giữ được môi trường sinh thái tự nhiên đẹp đẽ của các điểm đến hay không.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm chất thải nhựa là nguyên nhân làm giảm sự hấp dẫn của các điểm tham quan du lịch nói riêng và du lịch cả nước nói chung.

Trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam xếp 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường. 

 Anh Vũ, Vietnam Journey