Yên Tử không chỉ là một ngọn núi thiêng của Phật giáo Việt Nam mà còn là một điểm đến văn hóa, lịch sử có phong cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú. Trong Quần thể di tích Yên Tử, nổi tiếng bậc nhất là khu danh thắng Đông Yên Tử thuộc TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu đã đến Yên Tử vào lễ hội ngày xuân đông vui nhưng chật ních du khách, hãy quay lại hành hương vào những ngày thu này, khám phá hàng trăm ngôi chùa tháp và theo dấu chân của Phật hoàng Trần Nhân Tông - người đã bỏ ngôi vua lên núi tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm mang đậm dấu ấn Việt cách đây 700 năm.
Ngay từ chân núi, du khách đã khó có thể đếm hết những ngôi chùa cổ kính với những huyền tích khác nhau: chùa Bí Thượng nơi trình lễ trước khi lên núi, chùa Suối Tắm nơi Phật hoàng dừng chân rũ bụi trần, chùa Cầm Thực nơi vua bắt đầu dùng nước suối thay cơm, chùa và suối Giải Oan nơi các cung nữ đã trầm mình khi khuyên vua trở về không thành, sương khói lảng bảng trong tiếng suối róc rách tựa nhạc thiền.
Con đường hành hương tuyệt vời nhất chính là đường bộ lên núi qua hàng ngàn bậc đá, tổng chiều dài khoảng 6.000m vắng vẻ khách bộ hành. Đường tuy dài nhưng trong tiết trời thu mát mẻ và khung cảnh đẹp nên thơ có thể xua tan mệt mỏi phiền muộn, bước chân ai cũng nhẹ nhàng hơn.
Đi dưới những hàng cây, đừng quên dừng lại ngơi nghỉ và tận hưởng không gian cổ kính ở Đường Tùng, đoạn đường chừng 200m dày đặc những cây tùng cao vút có tuổi thọ 700 năm, tán lá trùm mát rượi. Trên đường còn có Rừng Trúc dẻo dai, xanh ngút ngát giữa núi non trùng điệp. Tùng - Trúc là những biểu tượng của Yên Tử, mang khí phách và những tư tưởng hòa hợp với tự nhiên của người xưa.
Nếu không đủ sức khỏe, bạn có thể lựa chọn cáp treo để lên núi, thăm viếng những ngôi chùa chính. Từ trên cáp treo, khung cảnh kỳ vĩ của Rừng quốc gia Yên Tử thu trọn trong tầm mắt. Lên cao, mây mù trắng xóa nhanh chóng bao phủ, văng vẳng câu hát Trên đỉnh Phù Vân: Mênh mang mênh mang Phù Vân Yên Tử/Vi vu vi vu Trúc Lâm thiền tự/Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước/Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài.
Ở độ cao chừng 600m, du khách sẽ bắt gặp khu vườn tháp trầm mặc, uy nghi. Đó chính là Vườn tháp tổ mà trung tâm là Tháp Huệ Quang, nơi đặt xá lỵ của Phật hoàng, mùi hương trầm thoang thoảng ám màu thời gian.
Vượt những bậc thang cao ngất đến chùa Hoa Yên, những cây đại cổ thụ 700 năm cành lá khẳng khiu, hằn dấu phong sương chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ. Chùa Hoa Yên có kiến trúc quy mô, uy nghiêm tựa lưng núi là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa Yên Tử.
Nằm nép mình vào vách đá, ẩn sâu trong lòng núi là ngôi chùa độc đáo chỉ có một mái đúng như tên gọi: chùa Một Mái. Đứng tại đây, du khách sẽ cảm nhận được sự an yên thanh thoát như cách xa thế tục, chỉ có tiếng gõ mõ tụng kinh vang vọng.
Những am Ngự Dược, am Thung (nơi bào chế thuốc), chùa Bảo Sái Vân Tiêu... đều thấp thoáng trong mây trắng. Không gian vắng lặng, gió mây đến rồi đi như chốn bồng lai tiên cảnh.
Trên đường vượt những bậc đá cheo leo tới đỉnh núi, hãy dừng chân chiêm bái tượng An Kỳ Sinh, một tảng đá tự nhiên có dáng hình như vị đạo sĩ chắp tay cung kính, áo dài thướt tha. Tương truyền, thế kỷ thứ 3 TCN, đạo sĩ An Kỳ Sinh đã từ phương Bắc đến đây tu đạo.
Uy nghi giữa đất trời non thiêng là Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tượng đúc bằng đồng nguyên khối có trọng lượng 138 tấn, khánh thành vào dịp Đại lễ tưởng niệm 705 năm Ngày Phật hoàng nhập Niết bàn năm 2013.
Đỉnh núi là đây, chùa Đồng - ngôi chùa độc nhất vô nhị đúc hoàn toàn bằng đồng trên độ cao 1.068m. Dù giữa mùa thu nắng đẹp cũng thật khó chứng kiến chùa không chìm trong mây mù, nhưng khoảnh khắc đứng trên đỉnh non thiêng với sự thư thái, tự do và tĩnh tại khiến bất cứ ai cũng phải hài lòng.
Kết thúc hành trình, du khách có thể ghé những điểm đến có không gian mang đậm chất thiền và văn hóa thời Trần dưới chân núi, tham gia trải nghiệm các khóa tu hoặc đơn giản là dành thời gian nghỉ dưỡng, tìm về những giá trị đơn giản của chính mình.
CTV Viễn Du/VOV.VN