Cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của cuộc sống hiện đại, của các công trình, nhà ở, đường sá,… Các làng nghề truyền thống quanh Hà Nội vẫn tìm cách vươn lên, tìm cách sống một cách mạnh mẽ trong xã hội xô bồ, bon chen. Hãy cùng dạo quanh thủ đô để tìm hiểu về những làng nghề truyền thống này.
Làng nón Chuông
Muốn ăn cơm trắng với giò
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông
Câu ca dao quen thuộc ấy đưa chúng ta về với làng Chuông, làng nghề làm nón lá nổi tiếng của đất Bắc. Người làng Chuông tự hào về món quà đồng quê này đã được mang đi khắp đất nước, thậm chí khắp thế giới. Những chiếc nón lá làng Chuông không quá cầu kỳ, nhưng đều là loại nón chắc, tròn, bóng bẩy. Chợ nón làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên và đều vào ngày chẵn trong tháng, mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch mỗi tháng. Chợ họp rất sớm vào thời gian từ 6 giờ đến khoảng 8 giờ thì chợ tan. Phiên chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu phục vụ làm nón.
Đến đây, bạn sẽ bắt gặp những sân nhà đầy những chiếc nón lá đang làm dở, những người thợ tỉ mẩn với từng chiếc nón. Dần dần nó thành một cái nếp, từ đời này sang đời khác vẫn vậy. Đó là văn hóa cố truyền.
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
Nếu bạn là người thích các món đồ chơi dân gian được làm bằng tre, những vật dụng trang trí giản dị nhưng đầy màu sắc, thì những chú chuồn chuồn tre là một gợi ý không tồi. Trong xã hội hiện đại với sự xuất hiện của nhiều loại đồ chơi thông minh, những chú chuồn chuồn tre vẫn còn tồn tại, mang vẻ đẹp tâm hồn của những đứa trẻ tuổi thơ.
Ở Thạch Xá, người ta làm chuồn chuồn, bướm bằng tre. Những chú chuồn chuồn, chú bướm đầy màu sắc được vẽ đẹp mắt là một món quà đặc biệt cho bất kỳ đứa trẻ nào. Có ba loại kích cỡ khác nhau cho khách hàng lựa chọn: cỡ to, cỡ vừa và cỡ bé. Những món đồ xinh xinh được mua ở tận làng Thạch Xá khi được trang trí trong phòng sẽ vô cùng bắt mắt. Bạn sẽ được trở về tuổi thơ với đồng ruộng, với những trưa hè rong chơi cùng bè bạn với những chú chuồn chuồn tre xinh xắn.
Làng Thạch Xá nằm ở dưới chân núi Tây Phương nơi chùa Tây Phương tọa lạc thuộc xã Thạch Xá - huyện Thạch Thất - Hà Nội. Đi từ Hà Nội theo đại lộ Thăng Long chừng 25km đến đoạn rẽ vào Thạch Thất thì rẽ phải rồi đi tiếp 10 km nữa sẽ thấy biển chỉ vào chùa Tây Phương.
Làng quạt Chàng Sơn
Làng quạt Chàng Sơn thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nếu bạn đi từ Hà Nội về, theo đường cao tốc Láng Hòa Lạc khoảng chừng 25km đến đoạn vào Thạch Thất thì rẽ phải, rồi đi tiếp 10 km nữa thì sẽ thấy biển chỉ vào chùa Tây Phương. Nếu vào chùa Tây Phương thì rẽ trái còn vào làng Chàng Sơn thì rẽ phải. Đến đây, bạn sẽ bắt gặp những sân nhà, cổng làng phơi đầy những chiếc quạt giấy đủ mọi màu sắc.
Quạt Chàng Sơn đã có từ 200 năm nay. Thế kỷ 19, quạt Chàng từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Bước vào thời kỳ đổi mới, cả xã Chàng Sơn gần một vạn dân thì có đến 3.000 người làm nghề quạt, mỗi ngày xuất ra thị trường gần trăm nghìn chiếc đủ loại: Quạt giấy, quạt nan, quạt the, quạt lụa, quạt tranh...
Nếu là một người yêu thích những gì dân dã, bạn có thể tìm đến đây, chọn mua cho mình một vài chiếc quạt tùy thích. Có thể nó không cho bạn một sự thoải mái như quạt điện hay điều hòa, nhưng vẻ đẹp của những chiếc quạt giấy vẫn còn mãi, như một cách để tìm lại làn gió mát của những ngày xưa.
Chè lam Thạch Xá
Thạch Xá không chỉ có chuồn chuồn tre, đây còn là ngôi làng nổi tiếng với món chè lam làm nức lòng du khách thập phương. Đến Thạch Thất, du khách không chỉ tò mò bởi chùa Tây Phương trứ danh với 18 vị la hán bề thế, họ còn mê mẩn bởi món chè lam được bày bán ở các ngả đường lối đi vào Thạch Xá. Món chè lam được người dân ở đây bao đời làm ra, vẫn tròn trịa, vẫn đậm đà hương vị truyền thống.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, người trẻ nối tiếp người già, vẫn gìn giữ công thức nấu chè gia truyền của các cụ ngày xưa để lại. Vị ngọt mát và đậm đà, hương vị của đồng quê đã quyện hòa vào từng thanh chè, khiến cho nó trở thành một thức quà không thể chối từ khi đến đây.
Các làng nghề tưởng chừng như khó xoay sở trong cuộc sống hiện đại với sự du nhập của nhiều giá trị khác nhau. Tuy nhiên, bạn sẽ bất ngờ khi đến với từng ngôi làng nghề quanh Hà Nội. Sự phát triển của từng làng nghề, cuộc sống vẫn đầy ắp và vui tươi của người dân và những nghệ nhân ở đây đủ khiến bạn tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp hơn, bền vững hơn của những giá trị cổ truyền.
Anh Vũ, theo Báo Du lịch