Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn. Những họa sỹ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương đã phối hợp với nghệ nhân Đinh Văn Thành- người làng Hạ Thái tiến hành thử nghiệm, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật, tre… và đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài của sơn son thếp vàng vào làm tranh nghệ thuật.
Thuật ngữ ”Sơn mài” và ”tranh Sơn mài” có từ đó. Nghề sơn mài đã nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật bởi sự công phu, cầu kỳ trong quá trình sáng tạo để làm nên tác phẩm…
Nghệ nhân sơn mài Vũ Huy Mến - Làng Hạ Thái, Xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội cho biết: “Vẽ tranh sơn mài phải tuân theo những nguyên tắc ngược: muốn lớp sơn vừa vẽ nhanh khô, tranh phải ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình”.
Ngoài trình độ nghệ thuật, các nghệ nhân sơn mài phải có một trình độ kỹ thuật rất cao. Thời gian thực hiện một tác phẩm có kích thước nhỏ, đơn giản cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày. Những tác phẩm lớn có khi phải mất vài tháng, đến vài năm.
Kỹ thuật sơn mài có ba công đoạn chính: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.
Ở công đoạn bó hom vóc, người thợ ngày xưa thường sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ dó nên rất dai, có độ bền vững hơn vải, sau đó dùng đất phù sa – ngày nay người thợ có thể dùng bột đá trộn sơn – giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ.
Sau đó phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (tấm ván gỗ hoặc ván ép được sơn nhiều lần và bọc nhiều lớp vải, ủ khô và mài phẳng). Việc xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có thể có tuổi thọ đến 400-500 năm.
Khi có được tấm vóc, người nghệ nhân trước tiên phải làm các công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc…sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng, tiếp đến dùng màu.
Với kỹ thuật sơn phủ tượng và đồ nội thất như: hương án, hoành phi, câu đối… người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi bay các nguyên vật liệu: quỳ vàng, quỳ bạc, và tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt.
Tiếp đến là công đoạn quan trọng là mài và đánh bóng. Vì dầu bóng đã được pha trộn với màu để vẽ, tạo nên độ bóng chìm trong cốt màu và tạo thành độ sâu thẳm của tác phẩm, do đó sau mỗi lần vẽ lại phải mài. Người xưa sử dụng lá chuối khô làm giấy ráp.
Đến nay, nguyên tắc đánh bóng tranh lần cuối chưa có gì thay thế cho phương pháp thủ công này vì tranh sơn mài không được phép phủ dầu bóng. Đó chính là điểm độc đáo của tranh sơn mài. Sự thành công của một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất lớn vào công đoạn sau cùng.
Cái hay của sơn mài chính là tính ngẫu nhiên. Bởi tác phẩm như một tấm màn bí ẩn, đợi đến khi mài xong, đánh bóng mới dần hiện hữu. Những điều mới lạ luôn được tạo ra trong không gian sâu thẳm của tranh mà có lẽ chỉ ở sơn mài mới có được và đã khẳng định vị thế riêng của sơn mài.
Ở làng Hạ Thái, những nét đẹp truyền thống trong nghệ thuật sơn mài vẫn là vĩnh viễn, bất biến không gì có thể thay đổi. Vẻ đẹp đó đã tạo nên một bề dày thành tựu trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Mời quý vị xem chương trình Nghệ thuật sơn mài Hạ Thái tại đây để hiểu thêm về nét đẹp của làng nghề truyền thống này.
Vietnam Journey