Truông Bồn ở Nghệ An là một trong những tọa độ lửa khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nơi đây đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến như một mốc son hào hùng, nơi 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của tiểu đội 2 tiểu đội cảm tử thuộc Đại đội 317 – Đội 65 – Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ sáng ngày 31/10/1968, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi lệnh ngừng ném bom Mỹ ở miền Bắc được thực thi.
Những người đã vĩnh viễn nằm lại Truông Bồn (Hình ảnh trích từ vở diễn)
Trong số 13 thanh niên xung phong ấy, có những người đã nhận được giấy nhập học, có những người chuẩn bị về hậu phương để lo cuộc sống hạnh phúc của mình. Nhưng họ đã tình nguyện ở lại để làm nốt công việc trong ngày cuối cùng ở tiền tuyến, để giúp cho đường vận tải ra trận được thông suốt. Và ngày cuối cùng của họ ở chiến trường đã kéo dài mãi khi họ vĩnh viễn nằm lại Truông Bồn.
Những chàng trai, cô gái vô tư, trong sáng nơi chiến trường khốc liệt (HÌnh ảnh trích từ vở diễn)
Cảm xúc trước câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ thanh niên xung phong, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã viết nên kịch bản “Hoa lửa Truông Bồn”. Được biết, ông đã nghĩ ra tên của vở kịch khi chứng kiến những đốm lửa bùng lên từ nắm hương ông thắp trước tượng đài các chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, dường như những anh linh liệt sĩ ấy đã hối thúc ông phải làm một điều gì đó cho quê hương.
Tổ quốc và quê hương mãi ghi nhớ công lao của các anh, các chị (Hình ảnh trích từ vở diễn)
Vở kịch hát “Hoa lửa Truông Bồn” của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được Nguyễn An Ninh chuyển thể dân ca và NSND Lê Hùng dàn dựng đã đưa những làn điệu dân ca ví dặm vào câu chuyện kể về những người con anh hùng của xứ Nghệ, tạo nên một tác phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo. Lần đầu tiên câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn được đưa vào một vở kịch hát. Và cũng là lần đầu tiên dân ca ví dặm – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận, niềm tự hào của người dân Nghệ An – Hà Tĩnh, đã trở thành phương tiện để truyền tải thông điệp về một giai đoạn lịch sử hào hùng của Nghệ An.
Tập thể nghệ sỹ, diễn viên và nhạc công Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ chụp ảnh kỷ niệm với tác giả Nguyến Thế Kỷ sau đêm diễn 20/1/2019 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam
Chính vì thế bản hùng ca trong “Hoa lửa Truông Bồn” trở nên da diết hơn, câu chuyện tình yêu giữa chiến trường của anh Hòa chị Tâm trở nên lãng mạn hơn, và những tiếng cười phê phán đối với Tuấn, kẻ hèn nhát và tắc trách, trở nên nhẹ nhàng mà sâu cay hơn.
NSND Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ nghệ, là Chỉ đạo nghệ thuật , đồng thời đóng vai chị Nguyễn Thị Thông ở hiện tại
Những tiếng cười hồn nhiên trong trẻo, sự hy sinh vô tư mà cao đẹp của các chiến sĩ thanh niên xung phong trong vở kịch hát “Hoa lửa Truông Bồn” đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Xem xong vở diễn, trong mỗi người vẫn còn ngân da diết những giai điệu ví dặm ngọt ngào, để chiêm nghiệm, để ngẫm lại chính mình từ những tấm gương hy sinh anh dũng trong câu chuyện “Hoa lửa Truông Bồn” .
Phạm Hằng/ Vietnam Journey