Văn hóa

Lên Tây Bắc, cùng cộng đồng dân tộc Cống rộn ràng đón Tết hoa mào gà

15:06 - 29/11/2019
Hằng năm, cứ vào dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, cộng đồng dân tộc Cống ở các bản Púng Bon, Huổi Moi (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên), bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé), bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) của tỉnh Điện Biên lại háo hức tổ chức Tết hoa mào gà (Mền Loóng Phạt Ái).

Hoa Mào gà không thể thiếu trong lễ hội Mền Lóong Phạt Ái của cộng đồng dân tộc Cống

Tết hoa mào gà là nghi lễ lớn, độc đáo nhất và được xem là Tết cổ truyền trong năm của người Cống ở Điện Biên, được tổ chức khi mùa màng trên nương rẫy đã xong, người dân trong bản bước vào thời điểm thảnh thơi, rảnh rỗi. Tết hoa mào gà ngoài ý nghĩa mừng thành quả lao động sản xuất trong năm, còn là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn, hiếu thuận đến tổ tiên, thần linh, thổ thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống đã phù hộ cho dân bản một năm dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp để đồng bào gửi gắm nguyện ước về một năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, cuộc sống no ấm, bản làng đoàn kết, yên vui.

Theo chính quyền các xã Pa Tần, Nậm Kè, Pa Thơm, năm nay cộng đồng dân tộc Cống trên địa bàn tổ chức Tết hoa mào gà sớm nhất vào ngày 29/11, muộn nhất vào ngày 4/12, dương lịch.

Người dân dậy sớm chuẩn bị đón tết Hoa

Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ khi định cư, lập bản, trải qua gần một trăm năm, cộng đồng dân tộc Cống ở bản Huổi Moi, Púng Bon gìn giữ, trao truyền, bảo tồn được Tết hoa mào gà cho đến nay. Cộng đồng dân tộc Cống quan niệm Tết hoa mào gà có một vị trí rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng, nếu Tết hoa chưa được tổ chức, không ai trong cộng đồng bản làng được phép đi phát nương, làm ruộng, lên rừng khai thác củ quả và vui chơi, ca hát. Tết hoa mào gà đóng vai trò tiền đề để mở đầu cho những hoạt động của người dân trong năm. 

Trước đây, Tết hoa mào gà thường diễn ra từ 3 đến 4 ngày, nhưng nay rút ngắn lại còn 1 ngày, 1 đêm. Tết hoa mào gà có hai phần: Phần lễ và phần hội. Xuyên suốt diễn trình Tết hoa, thầy cúng (thường là Già làng) sẽ là chủ tế, đóng vai trò chủ đạo trong việc cử hành các lễ thức của phần lễ; địa điểm diễn ra các lễ cúng cho Tết hoa cũng được diễn ra tại nhà thầy cúng.

Các thiếu nữ dân tộc Cống chuẩn bị trang phục trước khi làm lễ

Theo phong tục, trước khi diễn ra Tết hoa mào gà khoảng một tháng, cộng đồng dân tộc Cống sẽ lựa chọn ra những cặp sản vật ngon nhất, quý nhất của mùa vụ trong năm do người dân trong bản tạo ra, đánh bắt được trong quá trình lao động như: bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, gà, sóc, cá suối, rượu… để dâng lên thần linh, tổ tiên, thổ công thổ địa và mẹ lúa. 

Hoàn tất chuẩn bị lễ vật, đàn ông, trai tráng trong bản sẽ ra sức luyện tập sức khỏe, chuẩn bị dụng cụ, bãi tập cho các môn thể thao truyền thống sẽ thi thố, trình diễn trong dịp hội, còn phụ nữ trong bản chăm chỉ thêu thùa, may vá chuẩn bị cho mình và các thành viên trong gia đình những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất để mặc vào dịp diễn ra Tết hoa. Thời điểm này, người dân trong bản ai cũng háo hức, mong thời gian trôi thật nhanh để mau đến đến dịp diễn ra lễ, hội.

Các gia đình mang đồ cúng đến nhà thầy cúng làm lễ

Một tuần trước khi lễ diễn ra Tết hoa mào gà, thầy cúng sẽ tiến hành chọn ngày lành, tháng tốt, ấn định thời gian cho cả bản tổ chức Tết. Vào ngày diễn ra Tết hoa mào gà, ngay từ sáng sớm, già làng sẽ phát lệnh “cấm bản”- người trong và ngoài bản không được tự do ra vào bản. Sáng sớm ngày diễn ra Tết hoa mào gà, đại diện mỗi gia đình (lễ chủ) sẽ lên nương hái hoa về trang trí trong nhà. Trong nhiều loài hoa hái về không thể thiếu hoa mào gà. 

Sau khi trang trí tại gia đình, các lễ chủ sẽ mang lễ vật và hoa mào gà đến nhà thầy cúng để cùng nhau trang trí hoa lên một cây tre còn nguyên cành dựng giữa nhà thầy cúng. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Trong tâm thức của cộng đồng người Cống, loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm - dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Sắc hoa mào gà đỏ thắm cũng tạo nên không khí ấm áp, gần gũi khắp không gian lễ hội, khắp bản làng trong thời gian diễn ra lễ hội. Trong buổi sáng diễn ra Tết hoa mào gà, mỗi gia đình trong bản sẽ mang đến nhà thầy cúng 1 con gà trống, 1 chai rượu để tạo nên mâm cúng đặt ngay ngắn dưới gốc cây hoa cho thầy cúng làm lý.

Thầy cúng chuẩn bị làm lễ cúng

Sau những hồi trống, chiêng âm vang vọng khắp bản làng, núi rừng báo hiệu lễ cúng bắt đầu, thầy cúng kính cẩn cử hành các lễ thức để mời các thần linh, tổ tiên, mẹ lúa về dự lễ, xin phép cho bản làng tổ chức Tết hoa và mời đấng siêu nhiên nhận những lễ vật người dân đã dâng cúng. Những con vật hiến sinh sau đó được mang đi làm thịt để bày mâm cúng (đồ chín). Thầy cúng lại thực hiện nghi thức mời các thần linh, tổ tiên ăn cỗ; đồng thời khấn tạ, báo cáo với tổ tiên tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm qua, cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng, mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản làng. Rồi thầy cúng nâng chén rượu đầu tiên chúc mừng mọi người sang năm mới những điều tốt đẹp.

Sau lễ cúng tại nhà trưởng bản, thầy cúng bắt đầu đến cúng cho từng nhà để cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ một năm mới sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt. Tại mỗi gia đình, chủ nhà đều chuẩn bị một mâm cúng, đặt tại chân cột thứ 2 gần cửa chính với các đồ lễ gồm: 2 con cá khô nấu canh với lá sả (pùm phi), khoai sọ (pùm xì) đồ chín, 1 ống rượu cần bằng tre, 2 cần hút… để chờ thầy cúng đến cúng. Ngoài ra, bên cạnh bàn cúng, cộng đồng dân tộc Cống còn để những dụng cụ, nông cụ lao động như lưỡi dao, lưỡi liềm… Bởi, họ quan niệm những vật dụng này đã cùng con người vất vả lao động cả năm trên nương, ruộng, trong những lần đi rừng dài ngày nên dịp lễ các vật dụng cũng được tôn thờ, ghi công.

Hoa Mào gà được trang trí trước hàng rào của mỗi gia đình trong bản

Nếu phần lễ của Tết hoa mào gà diễn ra trong không gian linh thiêng với các lễ thức, nghi lễ độc đáo, mang những nét văn hóa đặc trưng, phần hội lại diễn ra trong không khí tưng bừng, hoạt náo, có tính cố kết cộng đồng rất cao. Trên những bãi đất rộng, người dân tụ tập cùng nhau hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng chiêng, hân hoan trong điệu xòe, điệu múa, hát lên làn điệu dân ca truyền thống. Đồng thời, người dân ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới vạn vật đều phát triển, sinh sôi, nảy nở mạnh mẽ như những trận mưa hạt giống này. Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời, nhịp trống, chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng như chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng đến gần hơn.

Đêm về khuya, tiếng trống và chiêng đồng càng vang giòn, ngân xa vọng vào vách núi; ánh lửa vẫn bập bùng cùng lời ca, tiếng hát của dân bản như gọi mời, níu chân du khách khi đến với vùng biên vào dịp cộng đồng dân tộc Cống tổ chức Tết hoa mào gà. Đây là lễ hội cổ truyền, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời, tiêu biểu, chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội cộng đồng; phản ánh sinh động đời sống và bản sắc của cộng đồng dân tộc Cống. Vì vậy, từ bao đời nay Tết hoa mào gà là một hoạt động tâm linh không thể thiếu được trong đời sống tinh thần mỗi dịp đón mừng năm mới của đồng bào dân tộc Cống.

Theo dantocmiennui.vn