Văn hóa

Ngành giáo dục cần được chủ động tuyển dụng nhân sự

13:48 - 23/04/2019
Ngành giáo dục không được chủ động tuyển dụng nhân sự, dẫn tới những bất cập ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc dạy và học, đời sống của giáo viên và cản trở sự phát triển của ngành, đó là một trong những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị phản biện Luật giáo dục (sửa đổi), do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

Giáo dục được xem là ngành đặc thù giống ngành Công an hay Quân đội, vậy tại sao ngành Công an và Quân đội được quyền chủ động tuyển nhân sự trong khi ngành Giáo dục lại phụ thuộc nguồn nhân sự do Bộ Nội vụ tuyển dụng và cung cấp. Mất quyền tự chủ trong tuyển dụng nhân sự, ngành giáo dục như bị bó chân, bó tay. Đây là ý kiến của các chuyên gia trong ngành giáo dục tại Hội nghị phản biện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) diễn ra tại Hà Nội sáng 22/4.

Hội nghị có sự tham gia của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và các cơ quan chức năng có liên quan. Các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng công phu, nhìn chung đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn một số quy định trong dự thảo luật có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các hạn chế, bất cập hiện nay, nổi bật trong đó là vấn đề tuyển dụng nhân sự.

Nhiều câu chuyện nhức nhối được nêu ra tại Hội nghị, trong đó có những giáo viên cống hiến cho ngành từ 10 tới 20 năm nhưng vẫn phải hưởng mức lương hợp đồng không tới 3 triệu đồng. Không những vậy, họ luôn bị nguy cơ đe dọa mất việc làm.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (trái) chia sẻ với phóng viên Vietnam Journey (phải)

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm giáo dục tư thục, tham gia thành lập Trường dân lập Lương Thế Vinh, Đại học Thăng Long - những cơ sở giáo dục dân lập đầu tiên của Việt Nam và  từng đóng góp rất nhiều các văn bản về giáo dục, ông Nguyễn Xuân Khang, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường đồng thời là Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng: giáo dục phải được tự chủ về nhân sự và tài chính.

 "Ngành giáo dục phải được tự chủ tuyển dụng giáo viên, không qua ngành nội vụ như hiện nay, tương tự như công an, quân đội được tự chủ tuyển dụng. Ngành giáo dục cũng phải được tự chủ về tài chính, nghĩa là ngân sách đầu tư thẳng cho giáo dục, không phụ thuộc Bộ Tài chính. 

Thầy Khang nhấn mạnh, việc không được tự chủ về nhân sự và tài chính đã dẫn tới những nghịch lý "rơi nước mắt": “Một nhân viên tạp vụ hoặc nhân viên giám sát các hoạt động của học sinh, tránh tai nạn cho các em khi các em tham gia vui chơi tại trường Marie Curie tối thiểu được hưởng mức lương 6 triệu đồng. Vậy với chưa đầy 3 triệu đồng, những giáo viên hợp đồng không đủ chi trả cho bản thân, nói gì chuyện nuôi con…" 

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội 

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi: “Luật có đảm bảo người ngoài ngành không can thiệp vào câu chuyện của giáo viên hay không?

Bộ Nội vụ can thiệp có đúng không, khi đưa ra những tiêu chí tuyển dụng như yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có bằng tiếng Anh hay tin học, đẩy đến tình trạng gian dối, mua bằng giả. Rõ ràng, vô tình những tiêu chí tuyển dụng do Bộ Nội vụ đề ra đã đẩy giáo viên vào tình trạng gian dối, vậy những giáo viên này có đủ tư cách đứng trên bục giảng hay không?”

Là hiệu trưởng của một trường Phổ thông Trung học, ông Nguyễn Xuân Khang lại cho rằng: “giáo viên dạy sử, địa… cần nhất là bằng do các trường sư phạm cấp, thế là đủ. Với trường ông, ông quan tâm giáo viên dạy học sinh có hiểu không, đi sâu vào nghiệp vụ làm thầy, bao gồm cả chuyên môn và giáo dục nhân cách cho học sinh.”

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, ngành giáo dục là một ngành đặc thù, việc ngành giáo dục không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên và bổ nhiệm nhân sự gây ra một số bất cập, gây khó khăn cho ngành trong thực hiện chuyên môn và nghiệp vụ. Rất cần phải có cơ chế linh hoạt hơn, đáp ứng những yêu cầu đặc thù, như cấp học, nhu cầu giáo viên ở mỗi cấp học, từng địa phương./. 

Mai Lan/ Vietnam Journey