Văn hóa

Người châu Âu đón năm mới như thế nào?

20:27 - 28/12/2018
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những tập tục chào đón năm mới riêng, và người châu Âu có muôn cách để bắt đầu một năm bình an, hạnh phúc.

Pháp

Người Pháp dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống. Sáng sớm ngày mùng 1, mọi người đều xem hướng gió, nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an, nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt, nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa. 

Anh

Tuy ở Anh, lễ đón năm mới không được tổ chức long trọng như lễ Giáng sinh nhưng vẫn có nhiều hoạt động chúc mừng năm mới theo phong tục tập quán riêng. Vào đêm cuối cùng của năm cũ, người ta tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben của thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến. Mọi người nắm tay nhau hát bài "Auld Lang Syne".

Đêm giao thừa, người Anh mang rượu và bánh ngọt đi chúc Tết. Người Anh không gõ cửa mà tiến thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân. Cũng như ở Việt Nam và một số quốc gia khác, theo phong tục của người Anh, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sau giao thừa sẽ báo hiệu năm mới tốt lành hay xui xẻo.

Họ quan niệm rằng, người khách đầu tiên đến xông nhà nên là nam giới, vào cửa trước, anh ta nên mang theo một số món quà truyền thống như rượu, bánh mỳ và viên than để cời lửa bếp lò, chúc chủ nhà “mở cửa gặp may”. Họ tin rằng điều này sẽ mang lại may mắn suốt cả năm.

Đức

Lễ đón năm mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm họ đều nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau, coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới. Ở nông thôn Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là "thi leo cây". Các chàng trai thi nhau trèo lên những thân cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là "anh hùng năm mới". 

Người Đức nổi tiếng là tiết kiệm, nhưng họ cũng để lại một phần các món trong các bữa ăn đầu năm mới cho đến sau nửa đêm để đảm bảo rằng năm tới đồ ăn của mình không bao giờ hết. Ngoài ra, người ta còn cho vào tủ đựng thức ăn một con cá chép vì tin rằng nó mang lại sự thịnh vượng.

Tại Đức, người ta để một giọt kim loại nóng chảy rơi vào nước lạnh và căn cứ vào hình dạng của nó mà đoán những điều sẽ xảy ra trong năm mới. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có tin mừng về cưới xin, và may mắn, hình mỏ neo có nghĩa là bạn cần giúp đỡ, hình con lợn nghĩa là sẽ được thưởng thức những món ăn ngon. 

Nga

Trang trí cây thông là truyền thống quan trọng của người Nga. Ảnh: Russian Shamukov/TASS

Cuối năm dù bận đến mấy thì người Nga cũng có tuyền thống đón năm mới với cây thông trong nhà. Có nhiều loại thông nhựa, nhưng thông thiên nhiên được ưa chuộng hơn cả. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong dịp năm mới ở Nga là có cả ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em. 

Italia

Vào ngày 25 tháng 12, toàn gia đình quây quần ăn tiệc đón năm mới bên cây thông Noel. Họ chờ đợi ông già tuyết mang túi quà tới. Trong đêm giao thừa, không một ai ra đường vì có lệ, hễ chuông đồng hồ đánh xong 12 tiếng, người Italia vứt hết mọi đồ đạc cũ, hỏng ra đường phố. Họ cho rằng, nếu nửa đêm giao thừa vứt hết đồ cũ thì trong năm mới, họ sẽ mua được những đồ vật mới tinh.

Trẻ con trước khi đi ngủ để đôi tất ở lò sưởi. Đêm đến, nàng tiên Bêphane chui qua ống khói, mang tặng phẩm tới. Khi bọn trẻ thức dậy, chúng tìm thấy quà của nàng tiên trong bít tất. Những bé mà năm cũ chưa ngoan sẽ được nàng tiên cho một hòn than củi nhỏ.

Đan Mạch

Người Đan Mạch quan niệm càng có nhiều bát đĩa vỡ trước cửa thì càng có nhiều bạn bè và may mắn trong năm mới. Để làm thế, họ giữ lại bát đĩa cũ để ném chúng vào trước cửa nhà của những người bạn. Ngoài ra, người Đan Mạch còn có tục đứng từ trên ghế và nhảy xuống khi đồng hồ điểm 12 tiếng trong đêm giao thừa. Họ cho rằng, điều này tượng trưng cho bước nhảy vọt trong năm mới.

Hồng Điệp (theo btgcp.gov.vn)