Văn hóa

Phim chuyển thể từ truyện cổ tích, dân gian: Thu hút nhưng không dễ làm

17:02 - 02/10/2020
Trong khi khán giả ngày càng khắt khe thì thị trường phim điện ảnh Việt Nam lại thiếu vắng những kịch bản hấp dẫn. Đây là điều kiện buộc các nhà làm phim phải tìm ra hướng đi mới và phim chuyển thể truyện cổ tích, dân gian Việt Nam trở thành một xu hướng mới đầy hứa hẹn.

Phim chuyển thể từ truyện cổ tích, dân gian - Một làn gió mới

So với kho tàng truyện cổ tích, dân gian thế giới, kho tàng truyện cổ tích, dân gian Việt Nam cũng không kém phần đồ sộ. Có thể nói rằng đây là nguồn cung cấp tư liệu dồi dào, hấp dẫn cho các nhà làm phim sáng tác kịch bản. Nhiều nhà làm phim Việt đã khai thác mảng phim này và gây được nhiều tiếng vang nhất định.

Phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân sau 1 tháng công chiếu đã cán mức doanh thu gần 70 tỷ đồng tương đương hơn 1 triệu lượt xem và đã đạt được nhiều thành công ở trong và ngoài nước.

"Tấm Cám: Chuyện chưa kể" lấy cảm hứng từ truyện cổ tích quen thuộc nhưng khai thác dưới góc độ kỳ ảo

Một bộ phim khác cũng xuất phát từ đề tài truyện cổ tích, dân gian là bộ phim "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Đức Thịnh đã cán mốc doanh thu 100 tỷ hồi Tết năm ngoái. Bộ phim được đề cử giải Cánh diều vàng năm 2018 cho phim điện ảnh xuất sắc nhất.

Phim "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Đức Thịnh đã tạo cơn sốt tại các phòng vé với doanh thu rất lớn

Với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, phim điện ảnh dựa trên những câu truyện cổ tích, tích truyện dân gian là Thạch Sanh đánh chằn tinh. Trong phim, cảnh Thạch Sanh cứu công chúa chiến đấu với chằn tinh có những cải biên đáng kể về nội dung, xây dựng hình tượng nhân vật cũng như cố gắng áp dụng nhiều kỹ xảo để tái hiện bối cảnh thời Hùng Vương và các cuộc chiến đấu thể hiện tham vọng đổi mới của một ekip trẻ.

Bạn Nguyễn Tắc Vượng, sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện cho rằng: “Bộ phim có thể tiếp cận đến nhiều lứa tuổi người xem, cả trẻ em và người lớn. Những câu chuyện trở nên rõ ràng và sống động hơn, truyền tải được nhiều cảm xúc hơn là đọc truyện”.

Bạn Nguyễn Tú Anh ở Hà Nội là một người yêu phim điện ảnh cũng cho rằng những bộ phim chuyển thể có một sức hút rất lớn vì đó là những truyện cổ tích mà chúng ta chỉ được đọc trong sách vở nhưng khi được chuyển hóa thành phim thì nó là điều rất mới mẻ, tạo được sự tò mò của khán giả".

Trở về quá khứ năm 1995, phim điện ảnh “Dã Tràng xe cát biển Đông” của đạo diễn Khánh Dư được xem là tác phẩm điện ảnh đầu tiên chuyển thể từ truyện cổ tích, dân gian của Việt Nam. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Huệ Ninh chia sẻ: “Mặc dù trước đây Việt Nam đã có những bộ phim lấy đề tài từ truyện cổ tích, dân gian như "Thằng Bờm", "Dã Tràng xe cát biển Đông", "Tấm Cám: Chuyện chưa kể"... nhưng để đạt được hiệu quả nghệ thuật hay chưa, đạt được đến độ đậm đà bản sắc dân tộc hay chưa thì còn phải bàn xét. Có thể nhận thấy, càng ngày phim Việt càng có sự đầu tư kỹ lưỡng và đạt được hiệu quả nghệ thuật nhất định”.

Bà cũng cho biết yếu tố quan trọng nhất khi khai thác đề tài này là làm sao phải tiếp thu một cách truyền thống và làm phim với con mắt của người hiện đại. Một bộ phim được coi là hay phải dung hòa 2 yếu tố truyền thống và hiện đại.

Dù khó khăn nhưng đầy kỳ vọng

Khi những ý tưởng làm phim đã cạn kiệt thì các nhà sản xuất quay về với kho tàng truyện cổ tích, dân gian là một sự lựa chọn thông minh, tuy nhiên phải thật chỉnh chu, thận trọng và sáng tạo là những thách thức cho những nhà làm phim.

Mặc dù đã có nhiều tác phẩm chuyển thể từ truyện cổ tích tạo được sức hút và đem lại màu sắc mới lạ cho điện ảnh Việt, tuy nhiên phải khẳng định làm phim dã sử, cổ trang ở Việt Nam khó gấp 10 lần so với các thể loại khác bởi chúng ta còn thiếu rất nhiều điều kiện vật chất như trường quay, trang phục… Bởi thế mà kinh phí sản xuất cũng lớn hơn nhiều.

Điển hình như phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” dù đầu tư 2 tỷ vào phần phục trang song ngay sau khi phim công chiếu đã nhận về nhiều ý kiển trái chiều. Đa phần, khán giả đều đưa ra nhận định trang phục trong phim cách tân quá, không phù hợp với bối cảnh, thời đại trong phim.

Trang phục cách tân của dì ghẻ trong "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" gây nhiều tranh cãi 

Giảng viên Lê Minh Đức khoa Nghệ thuật Điện Ảnh, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ: “Phim cổ tích nó luôn có một sự kì ảo nhất định ở trong đấy nên phần trang phục cũng phải được đầu tư một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy những bộ phim gần đây sử dụng trang phục hơi lòe loẹt quá”. 

”Trang phục truyền thống Việt Nam khá là khó thiết kế cho giống nguyên bản hay là một hình tượng nào đó mà khán giả có thể chấp nhận được. Khi làm những bộ phim về cổ trang thì mặt phục trang sẽ phải nghiên cứu rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng” - đạo diễn Việt Johan nhận định.

Một cái khó khác được xác định khi đưa truyện cổ tích, dân gian lên phim là phần kỹ xảo. Kỹ xảo đòi hỏi phải đẹp, hợp lý và chân thật nếu không muốn gặp phản ứng ngược vì đầu tư không tới. Nhưng trên tất cả, một kịch bản tốt, sáng tạo, giữ được hồn của cốt truyện, mang thông điệp nhân văn vẫn được coi trọng nhất. 

Nếu đưa truyện cổ tích, dân gian lên phim mà bê nguyên cốt truyện ai cũng biết thì không hấp dẫn, còn sáng tạo đến mất hết nội dung, ý nghĩa lại không nên. Việc sáng tạo, hư cấu là điều cần thiết nhưng vẫn giữ được cái hồn của cốt truyện, thuyết phục được khán giả thì phải nhờ vào tài của biên kịch, đạo diễn cũng như tâm huyết của cả đoàn phim. 

Một lợi thế khi làm phim chuyển thể từ truyện cổ tích, dân gian là vấn đề về bản quyền. Các nhà làm phim không phải trả tiền bản quyền cho tác giả nhưng để có được bộ phim hay và thu hút các nhà đạo diễn cần biết chọn kịch bản và cần hiểu, tôn trọng nghiệp vụ của biên kịch đồng thời cũng phải là một người am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Huệ Ninh chia sẻ: “Người biên kịch cần có nhãn quan của người hiện đại nhìn vào quá khứ để xem có những vấn đề gì mà người hiện đại đang cần. Người biên kịch còn phải là một người nghiên cứu và am hiểu văn hóa sâu sắc để ngụp lặn trong những kho tàng văn hóa của dân tộc, để viết lên cả những tiểu tiết, cách nói, trang phục... thì các nhà làm phim mới có thể thực hiện được một cách tốt nhất”.

Đạo diễn Việt Johan cho biết: “Anh cũng từng làm những thế loại đấy nhưng chỉ ở cấp độ nhỏ như sitcom thì phản hồi của khán giả rất khó đoán và để khán giả tiếp nhận được thì vẫn còn khó khăn".

Khi xây dựng một bộ phim khai thác từ truyện cổ tích, dân gian thì tất cả các thành phần làm phim đều ý thức được tầm quan trọng cũng như giá trị của bản sắc dân tộc, cần khai thác những yếu tố truyền thống và chuyển tải chúng qua con mắt của người hiện đại để nói lên vấn đề mà người hiện đại đang cần mà vẫn phát huy bản sắc dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam ta. Đây là điều không hề đơn giản. Thế nhưng chắc chắn rằng những bộ phim điện ảnh chuyển thể từ những câu truyện cổ tích, truyện dân gian sẽ luôn được khán giả chờ đón và ủng hộ.

Mời quý vị xem chương trình Phim+ với nội dung "Phim điện ảnh chủ đề truyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam - Vì sao vẫn là đề tài khan hiếm?" đã phát sóng tại đây./.

PV