Văn hóa

Sắc phong: Độc bản lưu giữ giá trị Việt

17:17 - 22/02/2019
Theo nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tại 90 huyện ở Đồng Bằng Bắc Bộ, các triều Vua Việt Nam đã ban hành khoảng 40.000 sắc phong. Phần lớn trong số đó đang bị hư hỏng do tác động của thời gian và những biến cố lịch sử.

Phần lớn những nơi lưu giữ sắc phong đều chung thực trạng “3 không”

Sắc phong là văn bản cao quý do Vua ban hành để tặng thưởng cho bách thần và các quan viên có công lao với vương triều, đất nước, cũng chính là sự ghi công của vương triều đối với nhân vật để không chỉ con cháu họ tộc được tự hào mà quê hương, làng xã cũng thơm danh.

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, sắc phong còn thể hiện giá trị thẩm mỹ độc đáo. Nhìn vào sắc phong, người ta có thể biết được xuất xứ triều đại nào, niên đại bao nhiêu, những nét văn hóa lịch sử đặc trưng của thời kỳ ấy ra sao. Bên cạnh đó, sắc phong còn là nguồn tư liệu chuẩn xác để nghiên cứu sự thay đổi địa danh (tên gọi các địa phương) và đơn vị hành chính.

Một sắc phong cổ bị biến dạng gần như hoàn toàn

Đã nhiều năm gắn bó với công tác tu bổ phục chế sắc phong, ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Bảo quản Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước không thể nhớ hết đã từng “làm việc” với bao nhiêu đạo sắc phong. Những sắc phong qua bàn tay ông có thể khác nhau về niên đại, hình thức, giá trị thẩm mỹ… nhưng đều có một điểm chung là phần lớn đều hoặc bị nhuốm màu thời gian hoặc bị hư hỏng: rách, mủn, mục, bết dính, ố vàng… Nguyên nhân phần lớn là do ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai, điều kiện bảo quản không tốt và sử dụng không đúng cách.

Lần gần đây nhất, ngày 17.2, ông Trần Đăng Phương đã trực tiếp đến và  tu bổ phục chế sắc phong ngay tại đình Phú Vĩnh, một ngôi đình cổ nằm ở xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nơi đặc trưng với kiến trúc nghệ thuật triều Nguyễn và hiện còn lưu giữ 3/7 đạo sắc phong (01 sắc phong triều vua Tự Đức; 01 sắc phòng triều vua Đồng Khánh; 01 sắc phong triều vua Khải Định) 

Sắc phong triều vua Đồng Khánh ở đình Phú Vĩnh sau khi được tu bổ phục chế

Vì vấn đề tín ngưỡng nói chung, quan niệm của con người nói riêng nhiều địa phương không muốn đưa các sắc phong bị hư hỏng ra khỏi nơi thờ tự, ông Phương phải thực hiện việc phục chế sắc phong ngay tại đình. Đây là một thách thức không nhỏ bởi cơ sở vật chất tại đình không thể bằng ở xưởng phục chế nơi có đầy đủ phương tiện, công cụ phục vụ quá trình phục chế: máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ… 

Trước yêu cầu phải phục chế tại đình, ông Trần Đăng Phương đã phải tiến hành tiếp cận, đánh giá thẩm định mức độ hư hại và lựa chọn giải pháp tu bổ, phục chế phù hợp với từng đạo sắc phong, để rồi khi bắt tay vào việc cố gắng hoàn thành công việc trong một ngày. Lẽ ra theo nguyên tắc phải mất từ năm đến bảy ngày tại xưởng thì mới có thể hoàn tất công việc, đây là phương án tối ưu nhất trong trường hợp phải tiến hành phục chế ngay tại hiện trường. 

Sau này khi quá trình phục chế hoàn tất, ông Phương ví von đó là một “ca cấp cứu” tại bệnh viện dã chiến, “như thế đã là tốt rồi, còn hơn là không làm, cuối cùng thì “bệnh nhân” của tôi đã hồi phục”. 

Sắc phong triều vua Khải Định ở đình Phú Vĩnh sau khi được tu bổ phục chế

Có thể không nhớ được chính xác đã từng “hồi sinh” bao nhiêu đạo sắc phong, nhưng ông vẫn không thể quên được thực trạng lưu trữ và bảo quản sắc phong tại các đình, chùa hiện nay. “Phần lớn những nơi lưu trữ và bảo quản các đạo sắc phong có 3 điểm chung: không hiểu gì về nội dung (hoặc không đầy đủ), không biết bảo quản như thế nào và không biết sử dụng ra sao cho đúng cách” - ông Phương cho biết.

Bảo tồn, phục chế sắc phong không chỉ trông chờ vào chữ “duyên”

Nói về cơ duyên tiếp cận để có thể phục chế các đạo sắc phong cổ bị hư hại, ông Trần Đăng Phương nhấn mạnh rằng nhờ  “duyên”. Nhờ duyên nên một chuyên gia phục chế văn bản cổ như ông mới có thể tiếp cận những sắc phong mang tính độc bản vốn đang bị hư hại và có nguy cơ biến mất. Và cũng nhờ duyên nên các văn bản cổ đó mới đến được với bàn tay của người chuyên gia để rồi được “hồi sinh”.

Thế nhưng, bất cứ ai cũng có thể hiểu rằng, phục chế sắc phong - một công việc quan trọng như thế nhất thiết không được, và không thể được làm chỉ dựa vào chữ “duyên”. 

“Nhất định phải xóa bỏ thực trạng “3 không” tại các nơi lưu trữ sắc phong hiện nay”, ông Trần Đăng Phương nhấn mạnh “Không phải từ bây giờ, mà ngay từ năm 2014, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã giao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cử những đoàn cán bộ đến tìm hiểu thực trạng và tiến hành tu bổ sắc phong tại các cơ sở thờ tự trên một số tỉnh, thành phố, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân phương pháp bảo quản các tài liệu cổ quý giá này. 

Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ các cán bộ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia phục chế sắc phong cổ

Đặc biệt, trong năm 2017, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã phối hợp với Chi cục văn thư Lưu trữ, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tổ chức lớp tập huấn về bảo quản tài liệu Hán Nôm cho các gia đình, dòng họ, cơ sở thờ tự trên địa bản của tỉnh. Lớp tập huấn góp phần tuyên truyền sâu rộng về nghiệp vụ, kinh nghiệm trong quản lý, bảo quản, sử dụng sắc phong. 

Trong chuyến công tác đó, kỉ niệm mà ông Phương nhớ nhất là ánh mắt của một cụ bà đã hơn 70 tuổi ở đền thờ Tuyên Trung Hầu sau khi nhìn thấy đạo sắc phong cho gia tộc của bà xưa kia được tu bổ phục chế, đã thốt lên rằng: “nếu có chết bây giờ thì tôi cũng có thể mãn nguyện nhắm mắt bởi đã hoàn tất di nguyện của thân phụ trước khi qua đời là “bằng mọi giá phải cố gắng hồi sinh đạo sắc phong của gia tộc đang được lưu giữ tại bản đền”.

Ông Trần Đăng Phương trong quá trình phục chế sắc phong cổ ở đền thờ Tuyên Trung Hầu (Đồng Tháp)

Trải qua sự bào mòn của thời gian và những biến cố, thăng trầm của lịch sử, sắc phong vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa, là sự ghi nhận của lịch sử đối với công trạng của các bậc tiền nhân, để thế hệ sau này thêm hiểu về lịch sử, qua đó hun đúc niềm tự hào dân tộc. Vấn đề cốt yếu là làm sao gìn giữ và bảo tồn các văn bản ấy. Để làm được điều này, cần lắm sự đồng lòng, mối liên kết giữa người dân, nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn… để các tài liệu cổ mang tính độc bản đó mãi được lưu truyền cho muôn đời sau.

Anh Vũ/ Vietnam Journey




TT
Trần Thái Toàn - 3 năm trước
Cháu có 5 bản sắc phong của ông Tổ họ Trần, cách đây 600-700 năm rất cần được phục chế. Mong các các bác, ace ai có số điện thoại của bác Phương cho cháu xin với ạ. Trân trọng. ĐT của cháu: 0915416469