Văn hóa

Tưng bừng đón Tết ba miền Bắc - Trung - Nam

15:53 - 09/02/2019
Mỗi năm tết đến, mỗi vùng miền ở Việt Nam lại có những phong tục, văn hóa truyền thống khác nhau. Song tất cả đều nhằm chào đón một năm mới an lành, ấm no, hạnh phúc.

Tết đến ai ai cũng bận rộn tranh thủ sắp xếp để về bên gia đình, sum vầy vui vẻ bên mâm cơm Tết đến là lúc người người gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc nhau những lời tốt đẹp để năm mới tràn đầy niềm vui. Tết đến là lúc những mùi hương đậm chất Tết lan tỏa mọi không gian, làm ta say mê hương vị ấy. Tết Việt vẫn đậm đà bản sắc dân tộc dù trải qua bao nhiêu năm tháng xuyên suốt khắp 3 miền. Dù có đi xa thật xa, xô bồ với cuộc sống thì mỗi khi đến Tết, trái tim vẫn thổn thức, mong chờ khoảnh khắc được hòa mình vào không gian Tết.

Hoa Tết ba miền

Thời tiết miền Bắc vào những ngày giáp Tết là điều kiện lý tưởng để sắc hồng của đào khoe sắc. Tết về, đường phố lại bao phủ trong hoa đào. Có người xuống phố chọn từng cành đào về trưng Tết, có người lại thích đi chợ hoa cho có chút vị của Tết, của xuân.

Miền Bắc thắm hồng cánh đào

Còn ở miền Trung và miền Nam có tiết trời có phần hanh khô, nóng hơn thì sắc mai vàng thật là lung linh. Mai dễ trồng, dễ ra hoa và thời gian nở dài cả tháng Giêng. Khi Tết về, từ ngoài xóm đến trong nhà, đâu đâu cũng một màu vàng tươi sáng bừng cả không gian, mang tài lộc đến.

Mai vàng ngập tràn khắp chốn 

Ngoài hoa mai, hoa đào thì ở ba miền người ta còn trưng các loại cây cảnh Tết khác và nhiều loài hoa như ly ly, hướng dương, cúc, vạn thọ, màu gà.... Mọi nơi đều ngập tràn sắc hương của hoa xuân.

Hương vị tết ba miền

Dù cùng đón một cái Tết cổ truyền nhưng mỗi vùng mỗi miền lại có cho mình những món ăn đặc trưng rất riêng, chỉ cần nhắc tên món ăn thôi đã biết ở nơi nào rồi. Người miền Bắc thường cầu kì hơn trong việc ăn uống nên mâm cỗ Tết ở đây luôn được chăm chút, tỉ mẩn sao cho đẹp mắt, đủ đầy nhất. Tết với người miền Bắc không thể nào thiếu đi chiếc bánh chưng vuông vức được gói từ lá dong, bên trong là nếp dẻo thơm nhân đậu xanh, thịt mỡ thơm ngon. “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” - thật đúng chất Tết miền Bắc, đúng không?

Cả nhà quây quần gói bánh chưng 

Tết đến người miền Bắc lúc nào cũng có món thịt đông là món ăn nguội, món này khi đưa vào miệng có vị hơi lạnh, thường được ăn kèm với bánh chưng và dưa hành. Xôi gấc và nem rán cũng được xem là những món ăn thường thấy trong mâm cơm miền bắc vào dịp Tết. Trong mâm cơm những ngày đầu năm ở miền Bắc luôn có 4 bát 4 đĩa biểu tượng cho tứ trụ, 4 phương, 4 mùa. Mâm lớn thì sẽ có 6 hoặc 8 bát tượng trưng cho phát tài, phát lộc. Mâm ngũ quả ở đây thì nhất định không thể thiếu 3 loại quả là chuối, bưởi và cam hoặc quýt.


Những món ăn ngày Tết của người miền Trung thường không cầu kỳ như vậy nhưng cũng rất phong phú, do miền Trung giao thoa giữa hai miền Bắc - Nam. Người miền Trung tùy gia đình có thể có bánh chưng hoặc bánh tét ăn kèm với dưa món. Dưa món miền Trung được làm từ rất nhiều loại rau củ khác nhau như cà rốt, củ hành, củ kiệu, củ cải trắng, đu đủ,... Ngoài ra Tết của người miền Trung còn có thêm bánh in, bánh tổ, bánh lá răng dừa,... cho đủ đầy hương vị mặn ngọt.

Miền Nam được xem là vùng đất trù phú, màu mỡ cho nên ẩm thực ngày Tết cũng đa dạng hơn. Người miền Nam thì không gói bánh chưng mà gói bánh tét. Bánh tét ở đây ăn với thịt kho tàu và củ kiệu. Người miền Nam quan niệm, dịp đầu năm mới là cần phải xả hết xui của năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới với những điều tốt lành, ấy vì vậy trong mâm cúng miền Nam lúc nào cũng có khổ qua, ý nghĩa của khổ qua là ăn cho qua hết khổ, được no ấm, hạnh phúc.

Bánh tét đặc trưng miền Nam 

Dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì ở đâu cũng không thể thiếu được mứt Tết trong nhà. Từ mứt dừa ngọt lịm nhiều màu sắc đến mứt gừng cay nồng, từ mứt bí giòn giòn đến mứt táo dai dai đều được bày một cách cẩn thận, cho ngày Tết thêm phần trọn vẹn.

Mứt dừa hấp dẫn 

Phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền ở ba miền

Tết là khoảng thời gian được nghỉ ngơi dài nhất trong năm, vậy nên ai cũng muốn Tết phải hoàn hảo, tươm tất nhất. Những ngày cận Tết, ai cũng bận rộn với việc mua sắm, dọn nhà, trang trí nhà cửa. Mọi người cùng nhau sửa sang lại mồ mả ông bà, tổ tiên. Đến ngày 23 sẽ làm lễ cúng ông Táo về Trời. Đó cũng là lúc không khí Tết bắt đầu ngập tràn khắp nơi

Cúng ông Công ông Táo - một phong tục ý nghĩa 

Người miền Bắc thường sum vầy bên nhau trong đêm giao thừa, cùng nhau chờ đón khoảnh khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới quý giá ấy, sau đó cùng nói về một năm đã qua, chúc nhau nhưng điều tốt đẹp để năm mới an khang, thịnh vượng hơn năm cũ. Mùng 1 Tết, người miền Bắc thường sẽ đi lễ chùa, hái lộc đầu năm, xin chữ ông đồ và phong tục xông đất. Chủ nhà sẽ nhờ người hợp tuổi, “nhẹ vía” đến vào sáng Mùng 1 để xông đất cho gia đình, hy vọng năm mới gia đình bình an.

Người miền Trung có tục xông đất giống như người miền Bắc. Sáng sớm Mùng 1, các gia đình ở đây đi thăm mộ người đã khuất, để cầu bình an. Những ngày tiếp sau đó, mọi người sẽ đi chúc Tết bà con họ hàng, láng giềng lối xóm và bạn bè.

Chúc nhau những điều tốt đẹp

Người miền Nam thì có tinh thần phóng khoáng, thoải mái và điều đócũng được thể hiện rất rõ trong phong tục ngày Tết. Tết đến là dịp không chỉ có gia đình mà cả hàng xóm cùng quây quần bên nhau để chơi các trò chơi, trò chuyện, hát hò để cùng đón giao thừa. Suốt những ngày Tết, mọi người chơi lô tô, đua ghe, đu tiên, đá gà,...để vui vẻ nhất cho một năm mới nhiều may mắn.

Dù là ở miền nào đi nữa thì Tết vẫn rất đẹp, rất ấm cúng và yên bình.

Anh Vũ, theo Báo Du lịch