Video Về chốn linh thiêng

Chùa Dạm: Vẻ đẹp chốn thiền tự xứ Kinh Bắc

Chùa Dạm dựa lưng vào núi Dạm, tọa lạc tại tỉnh Bắc Ninh. Chùa có lịch sử gần 1000 năm với những nét cổ kính, thanh tịnh và những bảo vật từ thời Lý cùng nhiều câu chuyện về Nguyên Phi Ỷ Lan. Tất cả tạo nên vẻ đẹp của một chốn thiền tự xứ Kinh Bắc.
11:38 - 22/08/2023

Chùa Dạm: Vẻ đẹp chốn thiền tự xứ Kinh Bắc

      Chùa Dạm xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương nay là phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nên nhiều người gọi đây là chùa Lãm Sơn. Theo sử sách ghi chép lại, vào năm 1085, Nguyên phi Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn, đã lựa chọn vị trí lưng chừng núi Dạm này với mong muốn xây dựng chùa. Năm 1086, triều đình nhà Lý đã cho xây dựng chùa. Năm 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ "Lãm Sơn dạ yến". Sau 10 năm xây dựng, đến năm 1094 chùa Dạm hoàn thành, được vua ban tên chùa là “Cảnh Long Đồng Khánh”, ban 300 mẫu ruộng tự điền để chùa có hoa lợi hương khói.

      Chùa Dạm để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị sư tổ, sau này khi bà Nguyên Phi qua đời, nhân dân cũng đã thờ bà tại đây. Nơi đây từ xưa đã trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân trong vùng.

      Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá còn gọi là tháp đá cao 5m (không kể phần ngọn đã bị gãy nát), kết cấu hai phần: khối hộp vuông ở dưới gắn với lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m. Đây được xem là công trình kỳ vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng, đuôi giao nhau, thân uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao, chầu vào viên ngọc đạt đến mức độ tinh xảo, phần chân tháp tựa như những cánh hoa sen, là những hoa văn họa tiết thời Lý. Với những giá trị không đo đếm được, cột đá chùa Dạm trở thành bảo vật quốc gia có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, thu hút đông đảo các nhà khoa học về nghiên cứu, tìm hiểu.

      Không chỉ có vậy, xung quanh núi Dạm, đến nay vẫn còn dấu tích của nền chùa cũ và nhiều công trình lân cận với nền và tường gạch đá chắc chắn, nay được che phủ bởi lớp rêu phong của thời gian, càng làm tăng thêm nét cổ kính cho chùa Dạm.

      Vào những năm 1946 -1947, thực dân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương dỡ chùa, để tiêu thổ kháng chiến. Đêm chùa cháy có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng kinh hãi bảo nhau sau này nhất quyết phải dựng trả lại chùa để không đắc tội với thần linh. Đến năm 1996, chùa được xây dựng lại chỉ là ngôi nhà 3 gian nhỏ để nhân dân đến cúng bái. Năm 2011 đến 2018, chùa được xây dựng quy mô lớn, trên lưng chừng núi Dạm, cách nền cũ không xa với những hạng mục chính là Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu. Đến nay, chùa vẫn được tiếp tục xây dựng nhiều công trình phụ trợ khác như hành lang từ tam quan đến Tam bảo, nhà khách, bãi đậu xe... Qua nhiều lần tôn tạo nhưng nơi đây vẫn mang nhiều nét cổ kính linh thiêng. 

      Sân chùa rộng rãi, trồng nhiều cây cối như bồ đề, cây đại, xung quanh là núi non hùng vĩ bao quanh với một màu xanh mát, hòa quyện nền trời xanh, mây trắng. Đứng nơi đây có thể phóng tầm mắt xuống ngắm nhìn cả thành phố Bắc Ninh. 

       Chùa Dạm có kiến trúc kiểu chữ Công, bao gồm các công trình chính: Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu. Toàn bộ công trình làm bằng gỗ lim chắc khỏe. Tiền đường 7 gian 2 chái 4 mái đao cong; có kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”. Nối giữa tiền đường và thượng điện là 3 gian thiêu hương. Thượng điện 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, có kết cấu vì tương tự tòa Tiền đường, có hệ thống hiên chạy bao quanh công trình chính trở thành khối thống nhất. Các mảng tường được xây kiên cố bằng gạch nung không trát. Kiến trúc gỗ chắc chắn, có hoa văn chạm trổ cầu kỳ tỉ mỉ.

       Bên trong chùa rộng rãi, bài trí khá đầy đủ hệ thống tượng Phật, được sơn son thếp vàng với đường nét điêu khắc tinh tế. Các bức cửa võng cách điệu, nối tiếp với hoa văn tinh xảo cũng được sơn son thếp vàng trang trọng, tăng thêm sự uy nghi cho kiến trúc nội chùa.

       Ngoài Tam bảo, nơi đây còn có nhà thờ Mẫu và nhà thờ Tổ. Đặc biệt, trong nhà thờ Tổ còn thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, người có công xây chùa, có công với nhân dân và đất nước. Năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông cùng Thái úy Lý Thường Kiệt   đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành vùng biên giới phía nam của đất nước, vua giao quyền cho Nguyên Phi Ỷ Lan cai quản đất nước. Cùng năm đó, nước Đại Việt không may bị lũ lụt lớn, mùa màng mất sạch, dân tình đói kém, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Nguyên Phi Ỷ Lan đã đề ra những kế sách đúng đắn và những quyết đoán táo bạo, nhờ tài năng tính toán của bà mà người dân được cứu đói, loạn lạc được dẹp yên. Chính vì vậy, nhân dân các vùng miền trong nước khi ấy tôn vinh bà như một vị “Quan Âm Bồ Tát” sống. 

      Trải qua những biến thiên của thời gian, chùa Dạm vẫn là nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, Phật giáo, kiến trúc thời Lý cách đây gần 10 thế kỷ. Đó vừa là điều đặc biệt, vừa hấp dẫn, cuốn hút du khách từ mọi miền đến nghiên cứu, tham quan, chiêm bái, vừa là niềm tự hào của mảnh đất, con người Bắc Ninh nói riêng và xứ Kinh Bắc nói chung.

Thực hiện: Kim Anh - Hoàng Thuyên