Video Tin trong nước

Đắk Lắk: Mang ngân hàng đến buôn làng

Sau hơn một năm hoạt động, mô hình điểm giao dịch ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đã góp phần hỗ trợ khách hàng vay vốn nhanh gọn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian đi lại; đồng thời đẩy lùi nạn tín dụng đen, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
15:59 - 30/06/2020

Ông Phạm Văn Thái ở thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết, huyện Lắk có 1,2 ha ruộng trồng lúa và hơn 5 sào cà phê, đang rất cần tiền để mua vật tư phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc cây trồng. Trung tuần tháng 6, ông liên hệ với cán bộ tín dụng ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Lắk để được tư vấn tại nhà; Đồng thời cán bộ tín dụng kiểm tra, thẩm định thực tế vườn tược... Phiên giao dịch vào đầu tuần vừa rồi, ông Thái ra trụ sở UBND xã, nơi  ô tô lưu động của Agribank Chi nhánh huyện Lắk đã chờ sẵn để hoàn tất thủ tục và nhận 150 triệu đồng vồn vay. Ông thấy dịch vụ vừa tiện lợi, vừa nhanh gọn. 

Xã Buôn Triết có 15 thôn, buôn, với trên 1.800 hộ. Đa số bà con đều làm nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa nước. Vào vụ, hầu hết các gia đình đều cần vốn đầu tư mua vật tư phân bón chăm sóc lúa và các loại  cây trồng. Theo ông Nguyễn Đăng Trọng – Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, hơn 1 năm qua, từ khi có những phiên giao dịch lưu động của ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn chi nhánh huyện Lắk tại trụ sở UBND xã, người dân rất thuận tiện trong việc vay vốn cũng như thực hiện các giao dịch như gửi tiền, chuyển khoản, đáo hạn.... Nguồn vốn được đáp ứng kịp thời, góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nóng, vay lãi suất cao của tín dụng đen.

Từ khi có xe chuyên dụng lưu động hơn một năm nay, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lắk cũng đã thành lập tổ tiến hành giải ngân bên ngoài. Mỗi tổ vay vốn đều có 10 nhân viên, và xử lý hạn mức vay cho mỗi khách hàng khoảng 200 triệu đồng tối đa. Điểm giao dịch của xe lưu động gần nhất cách trụ sở 20 km, và điểm xa nhất là hơn 60 km.

Nhờ khai thông kênh dẫn vốn từ điểm giao dịch lưu động nên nguồn vốn tín dụng cung ứng cho các địa bàn tại 4 xã có điểm giao dịch lưu động có sự tăng trưởng đáng kể và đạt con số là 224 tỷ đồng. Trong đó, xã Buôn Triết: 98 tỷ đồng, xã Krông Nô: 78 tỷ đồng, xã Nam Ka: 22 tỷ đồng, xã Ea R’bin: 26 tỷ đồng. Ngoài việc vay vốn phục vụ sản xuất, đời sống, bà con tại các điểm xã này cũng đã bắt đầu quen dần với hình thức gửi tiền tiết kiệm và thực hiện chuyển tiền ngay tại điểm giao dịch. Điều đáng nói hơn là hiện tượng vay nóng, vay lãi suất cao của tín dụng đen đã bị hạn chế, đẩy lùi.

Thực hiện: Tuấn Long/VOV Tây Nguyên

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.