Video Về chốn linh thiêng

Đình - chùa Chuông: Nét đẹp cổ xưa còn lưu dấu

Bên ven đê sông Đáy
Nơi một làng cổ có lịch sử hơn nghìn năm
Những mái ngói rêu phong
Những bức tượng xưa, cùng nhiều di vật cổ
Đình Chuông và chùa Chuông vẫn hiện hữu như chứng tích lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng đất này.
14:38 - 12/01/2024

Đình - chùa Chuông: Nét đẹp cổ xưa còn lưu dấu

Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, đã có lịch sử hơn 1000 năm với biết bao biến động thăng trầm tạo nên một bề dày di sản phong phú. Các di tích đình, đền, chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo gắn bó với bao đời người dân làng Chuông và trở thành những chốn thiêng của ngôi làng cổ. Trong đó, nổi bật phải kể đến đình và chùa mang tên làng vẫn còn được gìn giữ vẻ đẹp xưa giữa nhịp sống hiện đại.

Đình Chuông và chùa Chuông nằm gần nhau nối thành một trục. Đình – chùa Chuông được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 25/1/1990.

Không rõ đình Chuông khởi dựng chính xác từ bao giờ, nhưng trải qua vài đợt trùng tu, tôn tạo, ngôi đình hiện nay được định hình chủ yếu từ lần xây lại vào năm 1894 dưới đời vua Thành Thái và lần mở rộng vào năm 1911 dưới đời vua Duy Tân. Ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn kiểu “nội Công ngoại Quốc”, gồm các tòa Trung cung, Hậu cung và Đại bái. Tòa Đại bái gồm 5 gian quay hướng Nam, 3 gian giữa có cửa bức bàn. Trang trí tập trung ở các bức cốn chạm đề tài tứ linh và tứ quý. Trên bức cốn hiên có hình tam hổ với phong cách điêu khắc dân gian. Trung cung và Hậu cung nằm song song theo hình “chữ Nhị”, đều gồm 3 gian nhà ngang. Hậu cung là nơi bài trí ban thờ cùng long ngai, bài vị của các thành hoàng làng.

Đình Chuông thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và phu nhân là công chúa Phương Dung. Nơi đây còn thờ Đỗ Huệ, người làng Chuông, ngài đã dẫn 50 trai tráng gia nhập đoàn quân Phùng Hưng tiến đánh thành Tống Bình và được phong làm tướng chỉ huy. Vị thành hoàng nữa được thờ ở đình là Quốc công Nguyễn Xí. Ngoài ra, đình còn thờ đức Địa kỳ, Thổ kỳ là hai vị thần đã báo mộng cho Phùng Hưng rằng vua sẽ có người phù giúp và đánh thắng Cao Chính Bình, tướng nhà Đường.

Đến đình Chuông hôm nay, du khách như được trở về quá khứ để thấy lòng mình lắng sâu trong nốt trầm thời gian. Những cột đình, hoành phi, câu đối cổ ghi khắc những nét văn hóa trầm mặc. Nhiều di vật quý được làm từ đồng, gỗ, gốm sứ hay vải được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong đó, đình làng còn giữ 25 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam, được công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm.

Liền kề phía sau với đình Chuông là chùa Chuông. Chùa nằm ở hướng Tây Bắc sát mép tả đê sông Đáy, có tên chữ là Thắng Quang tự, tức chùa Thắng Quang nhưng người dân thường gọi tên chùa theo tên làng. Đây là công trình tôn giáo của cộng đồng làng xã, được xây dựng từ lâu đời với các dấu ấn kiến trúc còn lại của thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Với lối kiến trúc cổ kiểu “chữ Công”, chùa gồm các hạng mục chính: Tam quan, Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu.

Tam quan chùa Chuông khá đồ sộ và độc đáo với kiểu dáng cung đình huyền bí. Công trình được xây dựng bằng gạch, gồm 2 tầng. Tầng 1 có 3 lối đi xây cuốn kiểu tò vò, có cầu thang lên tầng hai ở hai đầu hồi, có 4 cột gỗ lim chắc khỏe đặt từ nền tầng 1 vươn lên đỡ xà ngang, xà dọc với mái tầng 2. Trên tầng 2 có 4 mái với các đầu đao cong vút, có quả chuông đồng nặng hơn trăm cân, đúc thời vua Tự Đức thứ tư năm 1852. Trên đỉnh Tam quan đặt bình hồ lô với ý tưởng của nhà Phật rằng: bình hồ lô ấy có đựng nước cam lồ để cho chúng sinh rửa sạch lòng trần tục.

Sau Tam quan, bước qua khoảng sân rộng lát gạch là tới tòa Tam Bảo gồm: Tiền đường, Thượng điện, Hậu đường. Tiền đường là một nếp nhà 7 gian, tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri truyền thống. Các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ chuyền”. Thượng điện là 3 gian nhà dọc, nối từ gian giữa Tiền đường vào Hậu đường, được làm theo kiểu chồng diêm, tạo khoảng hở giữa hai tầng mái làm cho nhà cao hơn hẳn hai hạng mục còn lại. Hậu đường cũng gồm 3 gian nhà ngang với kết cấu bộ vì đỡ mái tương tự tòa Tiền đường. 

Bước vào chính điện tòa Tam Bảo, ta thấy bức hoành phi có 4 chữ Hán được sơn son thếp vàng: Uy phong lẫm liệt. Hệ thống tượng thờ trên Phật điện với hơn 100 pho tượng có giá trị nghệ thuật khá cao. Mỗi bức tượng là một dáng vẻ đều toát lên sự từ bi khiến lòng người đến nơi đây thêm tự tại, an nhiên, như cảm nhận được một tự tĩnh lặng lắng đọng trong chính tâm hồn mình. 

Ở hai dãy hành lang tả hữu tòa Tam Bảo đặt thập bát La Hán với ý tưởng 18 vị La Hán biểu tượng cho sự tu hành một trong tứ quả, nhưng mỗi vị có một thế giới khác nhau là do sự tu hành mà có. Chùa Chuông còn là nơi thờ Đức Thánh Mẫu, tức công chúa Phương Dung, là phu nhân của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Bà đã xuất gia tòng đạo Phật và chọn đất Phương Trung xây dựng chùa chiền, mở mang cõi Phật. Sau ngày bà mất, dân làng gọi bà là Đức Thánh Mẫu và thờ ở chùa. Trong cung thờ, có đặt khám thờ với bức tượng Đức Thánh Mẫu, khuôn mặt kiêu sa đẹp đẽ, hiền từ, nghiêm nghị và đoan trang. Áo thếp vàng thêu trang điểm rồng phượng thể hiện đấng quyền quý cao sang, vương tộc tối cao.

Với nhiều nét kiến trúc cổ xưa còn được gìn giữ cho tới ngày nay, đình - chùa Chuông mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đặc sắc của một ngôi làng cổ bình yên bên đê sông Đáy. Những di tích này trở thành niềm tự hào của người dân làng Chuông và là điểm đến tâm linh, danh thắng tiêu biểu của vùng đất này được nhiều du khách và Phật tử bốn phương tìm về./.