Video Tin trong nước

Độc đáo sự kết hợp giữa thư pháp và Graffiti

Cái khác ở hai môn nghệ thuật này là tính đối lập giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự tự do, phóng khoáng với những chuẩn mực, quy tắc… Tuy nhiên, việc kế thừa, phát huy truyền thống và sáng tạo trên nền tảng di sản của ông cha là điều cần thiết.
22:57 - 31/05/2022

Lâu nay tại Việt Nam, thư pháp luôn được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới có học thức, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương. Nếu như nghệ thuật thư pháp được thể hiện bằng bút lông, mực tàu lên bề mặt giấy, gỗ, đá hoặc mành tre... thì phương tiện thể hiện của nghệ thuật Graffiti chủ yếu là sơn, bình xịt hoặc một loại vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng, thường thấy trên các đường phố ở các nước phương Tây.

Như vậy, có thể thấy, thư pháp và Graffiti là hai loại hình nghệ thuật tưởng như đối lập nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng và đều mang trong mình sứ mệnh truyền tải những thông điệp nhất định của người nghệ sĩ và thư pháp gia đến với xã hội. Và bởi thế, việc đặt hai loại hình nghệ thuật này cạnh nhau sẽ mang lại nhiều điều thú vị mà từ trước đến nay chưa từng có.

Thư pháp là hình ảnh rất quen thuộc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám mỗi dịp Tết đến xuân về, tuy nhiên ít người nghĩ về sự xuất hiện của graffiti tại không gian di tích này. Vào tháng 8 tới đây, một hoạt động sáng tác và triển lãm kết hợp graffiti với thư pháp sẽ được tổ chức tại Văn Miếu với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn du khách. Đây cũng chính là sự “chuyển mình” của Văn Miếu – Quốc Tử Giám với mục tiêu trở thành một không gian sáng tạo, trưng bày nghệ thuật và truyền cảm hứng cho công chúng.

Trên thế giới, không ít tác phẩm Graffiti đã bước từ đường phố vào các bảo tàng nghệ thuật danh giá. Và bởi thế, sự kết hợp lần này sẽ mang lại “hơi thở mới” và sự lột xác cho cả nghệ thuật thư pháp lẫn Graffiti, qua đó hướng đến đối tượng công chúng rộng rãi hơn, không chỉ là những người trẻ mà cả người lớn tuổi.

Thu Hương – Lê Hải

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.