Video Tin trong nước

Kể chuyện “Nơi tôi sinh ra” qua tà áo dài Việt Nam

Từ bao đời nay, Áo dài luôn luôn là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc Áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là hiện thân của dân tộc, là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.
19:11 - 13/02/2024

Kể chuyện “Nơi tôi sinh ra” qua tà áo dài Việt Nam

Hoa hậu - NTK Ngọc Hân tìm về cội nguồn “Nơi tôi sinh ra” bằng cách lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Kim Hoàng vốn là dòng tranh Tết nổi tiếng đã từng bị thất truyền trong khoảng thời gian khá dài và đang được các nghệ nhân phục dựng. Trong quá trình thực hiện BST áo dài từ cảm hứng về tranh Kim Hoàng, NTK Ngọc Hân gặp khá nhiều khó khăn bởi tranh Kim Hoàng là sự kết hợp giữa in, tô màu, vẽ một cách khéo léo để tạo nên một tác phẩm tranh uyển uyển nhưng đường nét phải dứt khoát. Bên cạnh đó, chủ đề của dòng tranh cũng rất phong phú nên việc in tranh lên áo dài cũng đòi hỏi nhiều lần thử nghiệm trên các chất liệu vải khác nhau mới không bị lỗi. Ngọc Hân đã nhờ đến sự tư vấn của các nghệ nhân để đưa bức tranh về rồng, phượng, cá chép hóa rồng, gà… lên tà áo truyền thống.

Nhà thiết kế Thanh Thuý đã mượn hình ảnh nhành hoa ban - loài hoa biểu tượng của núi rừng Tây Bắc để kể câu chuyện của riêng mình. Trong bộ sưu tập của mình, sắc trắng tinh khôi của hoa ban đã được thể hiện nét. Đi cùng với đó là hình ảnh những chiếc xe tăng, tấm áo trấn thủ hay những người anh hùng trong cuộc chiến chống Pháp cũng được tái hiện lại một cách sinh động.

Câu chuyện áo dài “Nơi tôi sinh ra” được kể bằng chính những cảm xúc của các nhà thiết kế về nơi mà họ sinh ra và lớn lên. Nhiều tầng sâu trong kho tàng đặc sắc văn hoá của các vùng miền ở Việt Nam đã được các nhà thiết kế khai thác, biểu đạt qua tà áo dài truyền thống, như: Nón lá làng Chuông (Hà Nội), gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), thổ cẩm Zèng (Thừa Thiên Huế), thổ cẩm Jrai (Gia Lai), mì Quảng (Quảng Nam)…

Trải qua những thăng trầm trong lịch sử, tà áo dài đã khẳng định vị trí của mình trong lòng mỗi người con đất Việt. Và thông qua tà áo dài, các nhà thiết kế mong muốn áo dài Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa, khẳng định vị trí trong nền văn minh nhân loại.

Trong tâm trí người Việt, tà áo dài đã thấm sâu như tiếng nói quê hương: sâu, đậm, thân thuộc và đầy hãnh diện. Dù đã trải qua biết bao giai đoạn, bao thăng trầm của chiều dài lịch sử, chiếc áo dài không những chưa bao giờ mất đi vị trí độc tôn trong lòng người Việt mà ngày càng mang lại sự tự hào vì nó không chỉ là trang phục mà còn là tác phẩm nghệ thuật của các nhà thiết kế. Qua mỗi tà áo dài đó đều chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Thực hiện: Thu Hương – Lê Thanh – Quốc Hùng