Video Tin trong nước

Một ca bệnh Whitmore ở Hòa Bình đã vượt qua cơn nguy kịch

Căn bệnh Whitmore (một căn bệnh truyền nhiễm đã bị lãng quên mấy chục năm nay) được đồn đoán là "vi khuẩn ăn thịt người". Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh Whitmore không phải vi khuẩn ăn thịt người. Một ca bệnh Whitmore nặng ở Hòa Bình đã vượt qua cơn nguy kịch sau gần 1 tuần nhập viện.
16:58 - 08/07/2020

Liên tục trong gần 1 tuần bệnh nhân mắc bệnh Whitmore điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình luôn trong tình trạng dây dợ chằng chịt khắp người, bệnh nhân phải sử dụng máy thở, lọc máu, dùng thuốc co mạch để tăng huyết áp. Thể trạng bệnh nhân suy kiệt và nguy cơ tử vong đe dọa.

Bệnh nhân là nam giới, 53 tuổi, trong lúc đi làm ngoài đồng đã bị cọc tre nhọn ở bờ ruộng đâm vào bàn chân. Vết thương sâu, rộng, tạo đường hầm, sau đó nhiễm khuẩn và hoại tử. 

Ngày 6/7, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã cắt lọc tổ chức viêm hoại tử và lấy dị vật (bùn, đất, cát) ở vùng bàn chân trái. Sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn, tạng suy đã có dấu hiệu cải thiện, đã giảm được liều thuốc co mạch mà vẫn duy trì huyết áp trong giới hạn cho phép. 

Ts. Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, hy vọng bệnh nhân sẽ đáp ứng với điều trị.

Cũng theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Whitmore là căn bệnh thực sự nguy hiểm. Từ đầu thế kỷ 20 căn bệnh này đã xuất hiện ở VN. Nếu không chẩn đoán chính xác và dùng kháng sinh đặc hiệu, đúng lúc, đủ liều, thì có thể sẽ tiến triển biến chứng, suy đa phủ tạng khiến bệnh nhân tử vong. 

Các dấu hiệu dịch tễ cho thấy có khả năng mắc bệnh Whitmore là bệnh nhân có vết xây sát trên người, bệnh nhân làm nghề có tiếp xúc bùn đất. Tuy nhiên, để xác định có phải bệnh  Whitmore hay không thì cần qua xét nghiệm tại các cơ sở y tế.

Nhờ tiến bộ trong kỹ thuật xét nghiệm định danh vi khuẩn Whitmore, gần đây các ca bệnh được phát hiện và điều trị sớm nên hiệu quả điều trị cao hơn. 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ca bệnh vừa nêu là ca thứ 5 trong vòng 2 năm liên tiếp bệnh viện đã cứu sống. Bệnh này thường xuất hiện vào tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Bệnh gây nhiễm khuẩn tại chỗ, nhiễm khuẩn toàn thân, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa phủ tạng.

Thực hiện: Mai Lan

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.