Video Không gian đẹp

Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh - Hơi thở kiến trúc hiện đại và truyền thống

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa mang những nét hiện đại, vừa giữ gìn giá trị cốt lõi để giới thiệu với bạn bè gần xa về mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống.
16:03 - 18/03/2024

Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh - Hơi thở kiến trúc hiện đại và truyền thống 

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thiết kế lấy cảm hứng từ cấu trúc mái đình. Bắc Ninh vốn nổi tiếng với nhiều ngôi đình cổ, đó cũng là không gian diễn xướng của biết bao thế hệ liền anh, liền chị. Vì vậy, mái đình rất gũi và thân quen với các nghệ sĩ và những người yêu quan họ. Tuy nhiên, mái đình của nhà hát được thiết kế, thi công bằng phương pháp và chất liệu hiện đại, vừa mang được hơi thở kiến trúc đương đại mà vẫn hài hòa với các yếu tố truyền thống của làng quê. Công trình có mái che dài hơn 60m cong cong như mái đình làng. Phía dưới có những hình khối cách điệu như chiếc nón ba tầm tạo nên sắc thái riêng của nhà hát ở vùng Kinh Bắc. 

Mặt ngoài của nhà hát được thiết kế hai lớp nhằm tăng hiệu quả tiết kiệm năng lượng và tối ưu hiệu suất cho hệ thống điều hòa, giúp nhà hát luôn luôn đón được ánh sáng tự nhiên. Lớp ngoài được trang trí bằng chất liệu và màu sắc vừa mang vẻ hiện đại vừa tạo ra sự gần gũi, thân thiện với làng quê cổ kính. Đồng thời, cách thiết kế hai lớp này còn tạo tầm nhìn đẹp cho du khách ở trong nhà hát vẫn thấy được khung cảnh tươi xanh của khuôn viên bên ngoài.

Không chỉ mang chức năng sân khấu diễn xướng, nhà hát còn là nơi trưng bày, triển lãm những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc. Hệ thống “thang treo” trong nội thất không sử dụng cột chống tạo nên hiệu ứng ấn tượng. Trần nhà trang trí các chùm đèn hình nón quai thao. Bên cạnh những bức tượng liền anh, liền chị, đời sống của những người cả đời gắn bó với quan họ còn được tái hiện ở cửa kính, tranh ảnh và những mảng chạm khắc được bố trí dọc khắp không gian của nhà hát. 

Nếu như kiến trúc bên ngoài nhà hát mang dáng dấp hiện đại, nội thất lại được tái hiện theo phong cách mang đậm yếu tố truyền thống. Trung tâm của nhà hát là không gian sân khấu biểu diễn chính được thiết kế cách điệu từ kiến trúc cổng làng với mong muốn dẫn dắt cảm xúc của khán giả đến những không gian đậm chất miền quê nơi quan họ hình thành và phát triển. Hệ thống ghế ngồi của khán phòng cũng được bố trí khác so với các không gian nhà hát, rạp chiếu phim thông thường. Giữa hai ghế ngồi là một bàn trà, để khán giả có thể vừa thưởng thức dân ca quan họ vừa cảm nhận vị thơm ngon của trà. Không gian ở đây có sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa vừa quảng bá nét đặc sắc, tài hoa của người thợ làng nghề nổi tiếng Đồng Kỵ. 

Trên tầng 4, không gian mở ra ngoài trời là sân khấu mở rộng của nhà hát. Không gian này được thiết kế mô phỏng cấu trúc âm học của một thùng đàn để nghệ sĩ có thể hát mộc, không cần thiết bị âm thanh nào vẫn có thể tạo độ vang và đủ âm lượng để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn từng ca từ. Đây là một trong những điểm nhấn chính tạo ra sự khác biệt cho công trình nhà hát.

Thực hiện: Huyền Trang – Trọng Đại – Quốc Việt