Video Bản tin Sức khỏe 24H

Phần lớn bệnh nhân bị bệnh cột sống nhập viện giai đoạn bệnh nặng

Bệnh thoái hoá đĩa đệm, cột sống đang được xem là căn bệnh của xã hội công nghiệp. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh này tăng trong khi tỷ lệ bệnh nhân chấp nhận thực hiện phẫu thuật thường ở giai đoạn nặng, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
14:45 - 24/08/2023

Phần lớn bệnh nhân bị bệnh cột sống nhập viện giai đoạn bệnh nặng

      Bệnh nhân Đỗ Thị Ngát đi lại được sau ca phẫu thuật cột sống chỉ sau 2 ngày, trong khi vài năm trước đó dù rất đau đớn nhưng bà không chấp nhận thực hiện phẫu thuật để giải phóng chèn ép thần kinh do lệch đĩa đệm và thoái hoá cột sống.

      Phần lớn bệnh nhân chỉ nhập viện khi bệnh cột sống đã chuyển biến nặng và khi không thể chịu được những cơn đau hành hạ, họ mới chấp nhận phẫu thuật. Tâm lý người bệnh đều sợ liệt, tai biến do phẫu thuật có thể xảy ra và họ chấp nhận những cơn đau đeo bám, ảnh hưởng tới cuộc sống nhiều năm.

      Trên thực tế một số các biến chứng đã được ghi nhận xảy ra khi thực hiện mổ cột sống như: Nhiễm trùng, tổn thương trên rễ thần kinh, tổn thương tủy sống có thể dẫn đến tình trạng liệt.

      Phẫu thuật cột sống vốn được đánh giá là một phương pháp cực khó, phức tạp và đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao, nếu không thì có thể sẽ để lại di chứng rất nặng nề sau mổ. Vì thế, đây chính là phương pháp cuối cùng mà bác sĩ buộc phải chỉ định cho bệnh nhân nếu các phương pháp điều trị khác đều không mang lại được hiệu quả. Lo ngại liệt từ biến chứng sau mổ đã khiến nhiều bệnh nhân nhập viện muộn và việc điều trị vô cùng khó khăn và tốn kém cho bệnh nhân và là gánh nặng sau này cho xã hội, khi bệnh nhân mất sức lao động./.

Thực hiện: Mai Lan - Ngọc Toàn