Video Tin quốc tế

Phát hiện mới trong cuộc tìm kiếm dấu vết sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời

Một nghiên cứu được công bố ngày 4/3 cho biết, việc phát hiện một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời có thể trở thành công cụ mới của cuộc tìm kiếm dấu vết sự sống. Các nhà khoa học đang nỗ lực xác định xem có tồn tại khí quyển trên hành tinh này hay không.
20:34 - 06/03/2021

Đồng tác giả nghiên cứu, nhà thiên văn Jose Caballero tại Trung tâm Sinh học vũ trụ Tây Ban Nha cho biết mục tiêu cuối cùng là tìm ra dấu vết sinh học trong khí quyển của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, cũng như dấu hiệu của sự sống trên những hành tinh có đặc điểm giống Trái Đất.

Ông Caballero cho rằng phát hiện mới mở ra tiềm năng nghiên cứu một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời "có nhiều đá, giống Trái Đất", có tên Gliese 486b và nằm cách Trái Đất 26 năm ánh sáng. Hành tinh này lớn hơn Trái Đất 30%, nằm ở khu vực được cho là "có thể sinh sống" quanh một ngôi sao. Gliese 486b có mức nhiệt độ khoảng 430 độ C và không đáp ứng điều kiện sống.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định Gliese 486b là "một phát hiện đột phá", có thể trở thành hình mẫu nghiên cứu về các hành tinh đá bên ngoài hệ Mặt Trời. 

Khoảng 4.000 hành tinh ngoài hệ Mặt trời đã được tìm thấy trong 25 năm qua, trong đó một số hành tinh có bầu khí quyển. Tuy nhiên, đây chủ yếu là "các hành tinh khí hoặc hành tinh băng", còn những hành tinh có kích thước giống Trái Đất vẫn chưa được nghiên cứu kĩ.

Mời quý vị xem các tin tức quốc tế đã phát sóng tại đây./.