Video Tin trong nước

Quản lý cư trú dân cư bằng mã số định danh cá nhân

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14, sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật cư trú (sửa đổi).
13:02 - 23/05/2020

Theo dự án, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 07 chương, 43 điều, quy định nội dung cơ bản: Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Phương thức quản lý này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư hiện nay. 

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, không gây xáo trộn khi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. 

Về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về nội dung: Bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương và việc xóa đăng ký thường trú, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. 

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đồng tình với việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú vì cho rằng, quy định này sẽ khắc phục tình trạng quản lý cư trú “ảo”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong điều kiện hiện nay, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng./.

Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.